(HNM) - Đề án 30 đã đi được hơn nửa chặng đường, khẳng định sự thành công trong từng giai đoạn: Thống kê được 5.700 TTHC trên phạm vi cả nước, công bố cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC (giai đoạn 1); hoàn thành việc rà soát, kiến nghị đơn giản hóa TTHC (giai đoạn 2).
Đặc biệt, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nghị quyết về đơn giản hóa 258 TTHC ưu tiên (thuộc những lĩnh vực liên quan nhiều nhất đến người dân và doanh nghiệp (DN) như thuế, hải quan, công chứng, khám, chữa bệnh, xây dựng…), từ đó có thể giảm ít nhất 5.700 tỷ đồng. Đây được coi là nghị quyết quan trọng, có ý nghĩa chính trị - xã hội rất lớn, mở đầu cho việc đơn giản hóa xem xét trên 5.000 TTHC còn lại.
Theo lãnh đạo Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ, để thực thi nghị quyết đơn giản hóa 258 TTHC ưu tiên, các bộ, ngành phải xây dựng, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi 14 luật, 3 pháp lệnh, 41 nghị định, 8 quyết định của Thủ tướng và ban hành theo thẩm quyền để sửa đổi 60 thông tư, 40 quyết định của bộ trưởng các bộ quản lý ngành. Thế mới thấy, hệ thống TTHC của chúng ta quá rườm rà, không những gây khó khăn cho công dân, tổ chức và DN khi thực hiện mà còn khiến cán bộ "toát mồ hôi" trong việc tìm kiếm và đối chiếu các văn bản quy phạm pháp luật liên quan (VBQPPL). Kinh nghiệm từ các nước thực hiện tốt cải cách thể chế cho thấy, các cơ quan quản lý cần liên tục đơn giản hóa các quy định hiện hành, bãi bỏ những quy định không cần thiết thì mới đạt được mục tiêu quản lý mà không gây gánh nặng cho người dân và DN.
Để phát huy kết quả của Đề án 30 trong việc cải cách TTHC nói riêng và cải cách thể chế nói chung, sắp tới, Chính phủ sẽ ban hành nghị định về kiểm soát TTHC. Theo đó, một cơ quan kiểm soát TTHC sẽ ra đời cùng với một cơ chế kiểm soát TTHC ngay từ khâu dự thảo. Ngay từ bây giờ, một số bộ, ngành, điển hình là Bộ Giao thông - Vận tải đã yêu cầu cán bộ Tổ công tác thực hiện Đề án 30 của Bộ trực tiếp tham gia quá trình xây dựng các VBQPPL và phải có ý kiến bằng văn bản vào hồ sơ đề nghị thẩm định dự thảo VBQPPL. Việc phối hợp kiểm soát TTHC từ khâu xây dựng dự thảo như vậy sẽ khắc phục được tình trạng văn bản chồng chéo, không có tính khả thi, không đi vào cuộc sống hay vừa ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung liên tục.
Với cách triển khai bài bản cùng các biện pháp duy trì hiệu quả lâu dài, Đề án 30 sẽ đáp ứng được mục tiêu cải cách, góp phần xây dựng một nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiệu quả và có hiệu suất cao, thuận lợi cho người dân và DN.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.