(HNMO) - Ngày 21-1, Bộ Y tế có Quyết định 165/QĐ-BYT về việc ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2022.
Theo Bộ Y tế, trong năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nước ta, nhất là đợt dịch thứ 4. Đến nay, nước ta đã ghi nhận hơn 2 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 36 nghìn ca tử vong (chiếm tỷ lệ 1,7%). Ngoài dịch Covid-19, trong năm 2021, một số dịch bệnh truyền nhiễm khác như: Tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi, ho gà… đều có số mắc giảm so với cùng kỳ năm 2020.
Cụ thể, trong năm 2021, cả nước ghi nhận hơn 38 nghìn ca (giảm 52,4%), trong đó có 11 trường hợp tử vong tại 8 tỉnh: Kiên Giang, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Hậu Giang, Bình Dương, Đắk Lắk và Gia Lai. Cũng trong năm 2021, cả nước ghi nhận gần 71 nghìn trường hợp mắc sốt xuất huyết (giảm 46,8%), trong đó có 22 trường hợp tử vong tại 10 tỉnh, thành phố: Bình Phước, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng, Tây Ninh, Bình Thuận, Đắk Lắk…
Qua công tác phòng, chống dịch trong năm 2021, Bộ Y tế đánh giá, hệ thống y tế còn bộc lộ hạn chế, nhất là y tế cơ sở và y tế dự phòng, chưa đáp ứng được yêu cầu khi dịch xảy ra. Người dân khó khăn khi tiếp cận với các dịch vụ y tế khi dịch bùng phát trên diện rộng dẫn đến tình trạng quá tải và tăng nguy cơ tử vong. Mức chi tiêu cho y tế bình quân đầu người, số lượng bác sĩ còn thấp, nhân lực y tế tại chỗ chưa đáp ứng được yêu cầu, phải điều động số lượng lớn từ trung ương, các địa phương khác… Ngoài ra, hầu hết các trang thiết bị y tế, thuốc, sinh phẩm, vắc xin… đều phải nhập khẩu do chưa sản xuất được trong nước nên dẫn đến chưa kịp thời, bị động, chi phí cao; chưa bảo đảm phương châm “4 tại chỗ” tại nhiều địa phương.
Theo Bộ Y tế, trong năm 2022 đặt ra mục tiêu giảm từ 5-10% tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm so với trung bình hằng năm giai đoạn 2016-2020. Khống chế kịp thời, không để dịch bệnh bùng phát, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội.
Để thực hiện được mục tiêu này, theo Bộ Y tế, đối với dịch Covid-19 cần tập trung điều trị toàn diện, triệt để, giảm tử vong là ưu tiên hàng đầu; nâng cao năng lực y tế cơ sở, sẵn sàng về trang thiết bị, nhân lực, thuốc điều trị, ôxy… Cùng với đó, mở rộng triển khai mô hình trạm y tế lưu động và điều trị, quản lý các trường hợp F0 không có triệu chứng; triệu chứng nhẹ tại nhà; thành lập các mô hình đội tình nguyện, huy động sự tham gia của các tổ chức tôn giáo, tình nguyện viên… không để xảy ra tình trạng người bệnh không liên hệ được với cơ sở y tế, không được cấp phát thuốc điều trị.
Bên cạnh đó, khẩn trương hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên; không để sót, đặc biệt là người có bệnh nền, người trên 50 tuổi; hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12-18 tuổi trong tháng 1 năm 2022, mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I năm 2022, đặc biệt lưu ý các đối tượng thường xuyên di chuyển (từ 18-50 tuổi) và các nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh. Chủ động có kế hoạch, phương án tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5-11 tuổi theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, thực tiễn thế giới và Việt Nam. Đồng thời, tăng cường quản lý người có nguy cơ cao (người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai, người người chưa tiêm đủ vắc xin phòng Covid-19 ở người trên 18 tuổi). Tăng cường giám sát các trường hợp nhập cảnh, giám sát cộng đồng, thực hiện việc cách ly, giám sát y tế, giám sát sự biến thể của vi rút SARS-CoV-2;…
Đối với với các dịch bệnh truyền nhiễm khác, theo Bộ Y tế cần xét nghiệm phát hiện sớm tác nhân gây bệnh, tốt nhất là thực hiện xét nghiệm tại chỗ; triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa chủ động khi chưa có dịch xảy ra…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.