Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken đang thực hiện chuyến công du lần thứ 18 đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương kể từ khi đảm trách cương vị này cách đây ba năm rưỡi.
Chuyến công du này kéo dài 10 ngày và cũng là chuyến công du nước ngoài nhiều ngày nhất cho đến nay của ông A.Blinken. Ông A.Blinken đến Lào tham dự cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao của các nước thành viên ASEAN và các nước đối tác; đến Việt Nam theo sự ủy nhiệm của Tổng thống Mỹ Joe Biden để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sau đó tới một loạt nước khác như Nhật Bản, Philippines, Singapore và Mông Cổ.
Ở Nhật Bản, ông A.Blinken cùng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản. Nội dung quan trọng được chú ý là việc hai bên tuyên bố cải tổ cơ cấu chỉ huy quân sự của Mỹ ở Nhật Bản để nâng cao hiệu quả các hoạt động quân sự chung với tất cả các đồng minh của Mỹ trong khu vực và để mở rộng hợp tác sản xuất tên lửa phòng không.
Ông A.Blinken có chuyến công du nhiều quốc gia châu Á lần này trong bối cảnh ông J.Biden rút khỏi cuộc vận động tranh cử tổng thống và Phó Tổng thống Kamala Harris gần như chắc chắn sẽ được phía đảng Dân chủ Mỹ đề cử làm ứng cử viên chính thức cho cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Như vậy, người kế nhiệm ông J.Biden sẽ là bà K.Harris hoặc cựu Tổng thống Donald Trump thuộc phe đảng Cộng hòa. Dẫu diễn ra kịch bản kết cục nào thì về lý thuyết cũng đều ẩn chứa khả năng "tân quan, tân chính sách" ở bà K.Harris hoặc "trở lại thời xưa" ở ông D.Trump. Triển vọng bất định này là nguyên cớ khiến các đồng minh chiến lược và đối tác của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không thể không quan ngại.
Bởi vậy, có thể thấy mục đích chính của ông A.Blinken với chuyến công du nhiều nước, dài ngày này ở châu Á là để giải tỏa mọi quan ngại của các đồng minh chiến lược và đối tác về khả năng Mỹ không kiên định cam kết trong tương lai và tạo dựng thêm những sự đã rồi khiến cho bà K.Harris chỉ có thể kế thừa và tiếp nối nếu đắc cử tổng thống; và ông D.Trump nếu trở lại cầm quyền cũng không thể đảo ngược được. Ông A.Blinken làm được sứ mệnh này vì trên thực tế, người chủ mới ở Nhà Trắng, bất kể là ai thì có thể có cách thực hiện khác chứ không thay đổi cốt lõi lợi ích chiến lược cơ bản, lâu dài của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Những lợi ích này có thể được gói gọn vào các khía cạnh: Tăng cường vai trò chính trị, an ninh và quân sự của Mỹ; gây dựng vai trò dẫn dắt và chi phối của Mỹ trong việc kiến tạo các cấu trúc và trật tự chung trên mọi phương diện cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Qua chuyến công du châu Á này của Ngoại trưởng Mỹ có thể thấy, cách tiếp cận của Washington là củng cố mạng lưới quan hệ đồng minh quân sự chiến lược, tranh thủ các đối tác khác và làm găng với Trung Quốc, Triều Tiên nhưng không để làm đổ vỡ quan hệ của Mỹ với Trung Quốc và Triều Tiên. Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Singapore đều là những mắt xích quan trọng trong cục diện chiến lược về chính trị, an ninh và quân sự của Mỹ ở khu vực. ASEAN, Việt Nam và Mông Cổ đưa lại bằng chứng về Mỹ có nhu cầu thiết thực tranh thủ các đối tác khác trong khu vực. Ở Lào, ông A.Blinken và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị lại gặp nhau - cũng còn vì không thể không gặp nhau - nhưng bầu không khí găng nhiều hơn dịu, bất hòa nhiều hơn hài hòa.
Nước Mỹ sắp có sự thay đổi tổng thống nhưng chính sách đối với khu vực này ít có khả năng nhanh chóng biến động lớn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.