(HNM) - Năm 2012, du lịch Việt Nam phục vụ gần 7 triệu lượt khách quốc tế, hơn 30 triệu lượt khách nội địa, ngành công nghiệp không khói thực sự là điểm sáng trong bức tranh tổng thể của nền kinh tế.
Năm nay, tín hiệu tích cực vẫn được duy trì, nhưng trên bình diện cả nước, trong bức tranh tương đối sáng ấy vẫn có điểm mờ, thể hiện ở cách thức kinh doanh chụp giật, môi trường du lịch kém ở nhiều nơi. Trong bối cảnh ấy, giải thưởng về du lịch có ý nghĩa quan trọng bởi nó góp phần khuyến khích những doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc.
Giữa tuần trước, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp trao Giải thưởng Du lịch Việt Nam năm 2012. Vài chục doanh nghiệp của ba khối, gồm lữ hành, kinh doanh khách sạn, dịch vụ vận chuyển du lịch, được nhận giải thưởng do đã có cố gắng trong việc kinh doanh, phục vụ khách hàng trong… năm ngoái, tạo ra hiệu quả đáng ghi nhận.
Dư luận đã bàn nhiều về các loại giải thưởng về du lịch ở Việt Nam, tán thưởng có mà chê bai ở mức độ nào đó cũng có. Với Giải thưởng Du lịch Việt Nam năm 2012 cũng vậy. Về sự chê, giải này bị cho là "không mang tính thời sự", tức cuối năm 2013 mới ra quyết định tôn vinh nỗ lực trong năm trước đó của doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra là, giả dụ, doanh nghiệp kinh doanh giỏi trong năm 2012 nhưng sang năm nay lại yếu kém thì sao? Đó là chưa kể đây đó có lời xì xào rằng trong số giải vừa được trao, một hai phần thưởng đã lọt vào tay doanh nghiệp chưa xứng đáng được nhận. Lời xì xào không phải rì rầm ở nơi nào đó ngoài đời, mà lên mặt báo hẳn hoi, tức là, nghiêm túc thì phải rà soát lại để có câu trả lời nhằm "yên bụng" dư luận, bảo vệ uy tín của giải.
Tất nhiên là từ sự phàn nàn còn có bóng dáng chuyện tiêu chí xét giải chưa cụ thể, chưa tạo "đất diễn" thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia, dẫn đến cảnh toàn "đại gia" đại náo giải thưởng, nhiều doanh nghiệp nhỏ "ngại" dự giải vì nghĩ mình không có cơ hội. Người ta nói vậy kể cũng đúng, bởi ở Việt Nam, trong số hàng vạn cơ sở lưu trú và hàng nghìn công ty lữ hành, vận chuyển du lịch, số "đại gia" không có nhiều, ảnh hưởng tích cực của những doanh nghiệp tầm tầm đối với nền kinh tế là rất lớn, cần nghĩ đến họ nhiều hơn, có cách kích thích sự tăng trưởng ở khối này tốt hơn…
Xây dựng giải thưởng dành cho lĩnh vực du lịch là cần thiết, nhằm khuyến khích mô hình tốt, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong các khối ngành, qua đó quảng bá thương hiệu, phục vụ xúc tiến du lịch nói chung. Đó cũng là mục đích, ý nghĩa của việc xét chọn và trao giải thưởng. Nhưng, mục tiêu ấy có thành sự thật hay không, ảnh hưởng của việc xét trao giải thưởng có mang đầy đủ ý nghĩa tích cực, có đem lại hiệu quả thực tế hay không lại là chuyện khác. Nó phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng công tác tổ chức, xây dựng tiêu chí giải thưởng và thái độ nghiêm túc, khách quan khi tiến hành bình xét.
Muốn đạt được mục tiêu nói trên thì cần nâng cao uy tín của giải thưởng. Có nhiều cách để nâng tầm uy tín cho Giải thưởng Du lịch Việt Nam, quan trọng là tạo cơ chế xác định đâu là giải quan trọng nhất, là duy nhất ở tầm quốc gia, khu biệt với những giải khác do báo chí, địa phương hay một tổ chức nào đó lập ra.
Muốn doanh nghiệp hào hứng với giải, quan trọng là phải mở cơ hội tham gia rộng khắp bằng cách hoàn chỉnh thể lệ, tiêu chí, hạng mục giải thưởng và xét giải một cách khách quan, công bằng.
Muốn giải thưởng phát huy tác dụng trong thực tế thì cần có cách hỗ trợ doanh nghiệp đoạt giải quảng bá thương hiệu tốt hơn nữa, quan tâm đến quyền lợi "hậu giải thưởng" của những doanh nghiệp được trao giải thay vì trao giải là xong. Nói ngắn gọn, đã tạo ra giải thưởng thì phải bảo đảm cho giải thưởng ấy đủ sức khích lệ, động viên, tạo hiệu quả thực tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.