(HNM) - Hà Nội chính thức thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3 lĩnh vực tư pháp cấp phường tại 168 đơn vị, thuộc 12 quận, được hơn một tháng (từ ngày 10-8).
Cán bộ tại bộ phận “một cửa” phường Đức Giang (quận Long Biên) hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính.Ảnh: Nhật Nam |
Ghi nhận ban đầu, các địa phương thực hiện khá nhuần nhuyễn, còn người dân đã từng bước làm quen và thích ứng với cách làm mới. Kết quả đáng ghi nhận, song thực tế cho thấy, vẫn có những vướng mắc cần giải quyết, cũng như cần sự chủ động tiếp cận, sử dụng từ phía người dân để dịch vụ tiện ích này phát huy hiệu quả hơn nữa.
Chu đáo, tiện ích
DVCTT mức độ 3 lĩnh vực tư pháp cấp phường được thực hiện đối với các thủ tục hành chính liên thông: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú trên địa bàn TP Hà Nội. Cá nhân có nhu cầu thay vì phải trực tiếp đến phường, nay chỉ cần truy cập website http://egov.hanoi.gov.vn làm theo hướng dẫn để nộp hồ sơ trực tuyến.
Để nhiều người biết đến cách làm mới này, quận Bắc Từ Liêm đã in tờ rơi hướng dẫn sử dụng DVCTT mức độ 3 gửi đến từng gia đình. Một số phường thuộc quận Hoàng Mai chọn hình thức phổ biến thông qua các cuộc họp tổ dân phố, khu dân cư; riêng thủ tục đăng ký khai sinh được quán triệt tới các cán bộ làm công tác dân số để kịp thông tin tới những gia đình sắp làm khai sinh cho em bé. Nhiều phường đã bố trí riêng máy tính, máy scan tại bộ phận “một cửa”, đặc biệt là phân công cán bộ hướng dẫn người dân cách thực hiện. Phó Chủ tịch UBND phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai) Tô Thị Thanh Thúy cho biết: Ủy ban phường đã bố trí những cán bộ trẻ, có năng lực, được đào tạo về công nghệ thông tin đảm nhiệm công việc hướng dẫn người dân, nên các thao tác thực hiện thủ tục khá thành thạo, không bị sai sót.
Về phía người dân, đã có những phản hồi khá tích cực. Bà Đỗ Diệu Hằng (ở đường Nguyễn Văn Trỗi, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân) nhận xét: “Việc điền thông tin và gửi trực tuyến không phức tạp lắm và còn rút ngắn thời gian cho người dân đến làm việc. Trước đây, kể cả đi lại và giao dịch phải mất một buổi làm việc. Tôi mong, nhiều thủ tục khác cũng được triển khai nộp trực tuyến để tiện lợi cho người dân”. Đây cũng là đánh giá và kiến nghị của người dân tại nhiều nơi khác.
Khắc phục bất cập phần mềm, thay đổi thói quen ứng dụng
Do thời gian triển khai dịch vụ mới được hơn một tháng nên kết quả chưa đồng đều ở các địa phương. Theo ghi nhận của phóng viên Hànộimới, chiều 12-9, bộ phận “một cửa” phường Phương Liệt (quận Thanh Xuân) có khá đông công dân đến làm các thủ tục về khai sinh, khai tử... nhưng không ai để ý đến tờ thông báo về việc triển khai DVCTT mức độ 3 được dán trên bảng thông báo tại bộ phận “một cửa”. Toàn bộ công dân đến làm thủ tục khai sinh, khai tử đều nộp hồ sơ trực tiếp, nhờ cán bộ nhập hộ thông tin. Bà Hà Thị Hồng, cán bộ “một cửa” phường Phương Liệt cho biết: “Mỗi lần nhập thông tin mất 10 - 15 phút, nhưng vì công dân có thể điền sai nên tôi làm luôn cho họ đỡ phải làm đi làm lại”. Theo bà Hồng, hơn một tháng qua phường đã nhận 39 hồ sơ khai sinh, khai tử, nhưng không có hồ sơ nào nộp trực tuyến.
Tương tự, phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) nhận khoảng 80 hồ sơ khai sinh và khai tử nhưng cũng chỉ có vài trường hợp tự nộp trực tuyến. Cán bộ bộ phận “một cửa” phường Hoàng Liệt Mai Thị Anh Vũ cho biết: “Việc áp dụng DVCTT mức 3 là cần thiết, nhưng hiện đa phần công dân chưa tự làm được nên cán bộ phải nhập thông tin hộ. Trong khi đó, cán bộ “một cửa” còn phải nhận rất nhiều hồ sơ lĩnh vực khác”. Cũng theo bà Vũ, phường đã có tài liệu hướng dẫn cách làm, cử một cán bộ hỗ trợ, song không ít trường hợp công dân thao tác nửa chừng rồi lại “nhờ” cán bộ làm hộ.
Ở góc độ người dân, bà Nguyễn Thị Vân (đường Nguyễn Hữu Thọ, phường Hoàng Liệt) cho biết: “Muốn thực hiện thủ tục qua mạng phải có địa chỉ email mà tôi thì không có, nên phải nhập địa chỉ email của con. Điền các thông tin xong, tôi không biết đính kèm các tài liệu kiểm chứng như thế nào khi nộp trên mạng nên phải nhờ cán bộ”. Bên cạnh đó, theo cán bộ một số phường, quá trình thực hiện DVCTT mức độ 3 còn có những vướng mắc như: Trong phần mềm khai tử chỉ ghi các trường hợp chết do ốm bệnh hoặc già yếu, mà yêu cầu của Ngành Tư pháp là phải ghi đúng như giấy chứng tử (chết do suy gan, suy thận...). Hay trong phần khai sinh chỉ ghi nơi sinh, nơi cư trú ở phường, xã mà không có thị trấn; chưa có phần xóa đăng ký thường trú… Chưa kể, phần mềm còn “chạy” chậm.
Thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông từ ngày 10-8 đến 6-9 cho thấy, bên cạnh những quận có tỷ lệ nộp khai sinh trực tuyến cao (trên 90%) như Long Biên, Bắc Từ Liêm, nhiều quận còn có tỷ lệ thấp như Hai Bà Trưng (16%), Tây Hồ (21%), Ba Đình (23%)...
Như vậy, dù đã đạt những kết quả bước đầu, song DVCTT mức độ 3 lĩnh vực tư pháp cấp phường chưa thể hiện hết tính tiện ích để đa số người dân lựa chọn sử dụng. Ở hai đơn vị làm điểm trước thời điểm 10-8 (quận Bắc Từ Liêm và Long Biên), kết quả đạt được khá tốt, cho thấy cách làm mới này cần thời gian để người dân tiếp cận.
Do đó, thời gian tới, các phường cần tích cực hơn nữa trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn để người dân có thói quen thực hiện. Các cơ quan chức năng cần sớm khắc phục những bất cập về phần mềm; trong việc thống kê cần lưu ý xem tỷ lệ hồ sơ công dân tự nộp trực tuyến là bao nhiêu để biết được kết quả thực chất. Từ đó, rút kinh nghiệm để hoàn thiện và có cách áp dụng phù hợp khi tới đây, thành phố mở rộng triển khai DVCTT mức độ 3 đến xã, phường, thị trấn thuộc 18 huyện, thị xã.
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Trưởng phòng Cải cách hành chính (Sở Nội vụ Hà Nội): Qua kiểm tra, nắm bắt tình hình cho thấy, các quận đã nghiêm túc quán triệt, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố về việc triển khai DVCTT mức độ 3 lĩnh vực tư pháp cấp phường. Điều này có ý nghĩa quan trọng với công tác cải cách hành chính, bởi DVCTT mức độ 3 mang lại sự thuận tiện cho người dân khi họ có thể giao dịch ở mọi lúc, mọi nơi và chỉ cần đến cơ quan hành chính duy nhất một lần để lấy kết quả. Đồng thời, cách làm này sẽ góp phần cải cách lề lối, tác phong làm việc của cán bộ. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.