(HNM) - Khác với nỗi vất vả, gian khổ của bà con miền núi, những hộ nghèo ở các huyện ven đô như Gia Lâm, Mê Linh, Từ Liêm, Thanh Trì… có cái khó riêng của mình bởi khoảng cách giàu nghèo khá lớn.
Thời gian qua, vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) TP đã giúp cho những người nghèo ở đây rút ngắn khoảng cách giàu nghèo nhưng việc giải ngân nguồn vốn giải quyết việc làm vẫn bộc lộ những bất cập.
Người dân làm thủ tục vay vốn ở Ngân hàng chính sách xã hội huyện Đông Anh. Ảnh: Đình Na |
Một trong những mục tiêu hàng đầu của các huyện ven đô là công tác giải quyết việc làm; đẩy nhanh tiến độ xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Tuy không nặng nề như bà con vùng sâu, vùng xa, nhưng khoảng cách giàu - nghèo tại đây khá lớn. Tuy nhiên, là huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất canh tác ngày càng thu hẹp, số người thiếu việc làm ngày một tăng, các làng nghề truyền thống phát triển, do đó nhu cầu vốn để phát triển sản xuất, chuyển đổi nghề nghiệp, bảo đảm ổn định đời sống nông hộ nhất là hộ nghèo trong quá trình thu hồi đất nông nghiệp ngày một cao. Do đó, thành phố cần bổ sung thêm nguồn vốn giải quyết việc làm cho các huyện ven đô.
Tại huyện Mê Linh, NHCSXH huyện đã phối hợp chặt chẽ với các hội đoàn thể chỉ đạo các tổ trưởng tổ TKK&VV và chủ dự án để đôn đốc cho vay trực tiếp, việc trả nợ lãi, gốc của các hộ nghèo đúng hạn. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp gần 3.000 hộ nghèo được vay vốn, thu hút và giải quyết việc làm cho 831 lao động, xây dựng và cải tạo được trên 3.000 công trình NS&VSMT nông thôn, giúp cho 4.200 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để chi phí học tập. Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Mê Linh Nguyễn Văn Thắng nhận định: Việc trợ giúp người nghèo các xã có diện tích đất thu hồi lớn trên địa bàn như Mê Linh, thị trấn Minh Quang, Đại Thịnh… trong nhiều năm qua là bài toán nan giải đối với các cấp chính quyền. Tuy nhiên, đồng vốn ưu đãi của NHCSXH chuyển tải đến đúng đối tượng cùng với việc giúp họ sử dụng vốn hiệu quả đã đem lại lợi ích thiết thực cho bà con nên người dân rất phấn khởi.
Thực tế nông dân ven đô trong quá trình thu hồi đất nông nghiệp chuyển sang mục đích khác có sự xáo trộn nhất định, nhất là các hộ nghèo và cận nghèo. Giúp nông dân chuyển đổi nghề nghiệp, có cuộc sống ổn định là một thách thức lớn vì nhu cầu vay vốn, giải quyết việc làm ở các địa phương này thường cao và bức xúc hơn các huyện thuần nông. Tuy nhiên, NHCSXH chỉ là đơn vị thực thi việc giải ngân tới các địa phương nên tính chủ động chưa cao. Trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua, các phòng giao dịch của NHCSXH TP đã giải ngân xong nguồn vốn bổ sung giải quyết việc làm 95 tỷ đồng của TP. Tuy nhiên, theo ông Bùi Quang Vinh, Giám đốc NHCSXH Hà Nội, để nguồn vốn ưu đãi đến với nông hộ nhanh hơn, thuận lợi hơn, TP nên có cơ chế xem xét lại việc phân bổ vốn chính sách cho các quận, huyện trên cơ sở thực tế hoạt động, kiểm tra, giám sát đồng vốn của NHCSXH. Đơn vị nào giải ngân tốt, đồng vốn phát huy hiệu quả, hạn chế nợ xấu, phát sinh… và địa phương có nhiều dự án thu hồi đất trọng điểm sẽ được cấp vốn ưu đãi cho nông dân một cách hữu hiệu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.