1. Cuộc đối thoại của Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Ngọc Chiến với bà con ngư dân thị xã Sầm Sơn đầu tuần trước đã thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận. Cuối cùng, câu chuyện người dân Sầm Sơn tập trung kiến nghị về việc chính quyền địa phương giao bến bãi quen thuộc từ ngàn đời cha ông họ cho doanh nghiệp khai thác cũng đã đi đến cái kết có hậu: Nguyện vọng giữ lại bãi biển để mưu sinh của bà con ngư dân đã được lắng nghe và có hướng giải quyết thấu đáo. Việc tưởng chừng phức tạp nhưng lại được hóa giải một cách đơn giản nhờ người lãnh đạo biết gần dân, lắng nghe dân và quan trọng hơn là đã dám công khai xin lỗi dân khi các cấp chính quyền và ban, ngành của tỉnh chưa phục vụ dân tốt.
Gần dân, sâu sát với nhân dân, lắng nghe người dân không chỉ giúp giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra một cách hiệu quả mà trước hết là phương cách để đội ngũ cán bộ, nhất là người ở cương vị lãnh đạo có những chỉ đạo, định hướng phù hợp với tình hình thực tế. Trước đây chưa lâu, trong buổi làm việc tại huyện Ba Vì, bên cạnh việc biểu dương những thành tích đạt được của địa phương, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cũng đã gợi mở những định hướng phát triển phù hợp với đặc thù của huyện. Trong đó, Bí thư Thành ủy đặc biệt lưu ý tới việc xây dựng môi trường đầu tư thân thiện, môi trường sống văn minh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, hướng đến sự phát triển hài hòa, bền vững. Ở góc độ nào đó, đây cũng là một định hướng cho sự phát triển của Thủ đô. Bởi lẽ, thực tế trong những năm qua cho thấy, bên cạnh tốc độ tăng trưởng cao liên tục nhiều năm, có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của cả nước, song quá trình phát triển của Hà Nội vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra, đòi hỏi giải pháp khắc phục.
Tương tự vậy, hàng loạt vấn đề căn cốt đối với sự phát triển của Thủ đô Hà Nội cũng là nỗi trăn trở của người đứng đầu chính quyền thành phố - Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khi tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả "Năm trật tự văn minh đô thị" mà trong đó có rất nhiều việc khó như: Quản lý vỉa hè, cây xanh, rút ngắn thời gian thực hiện để sớm hình thành một nền hành chính phục vụ vì người dân, vì doanh nghiệp…
Gần dân, sát dân cũng là tác phong làm việc của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng. Nhiều vấn đề nóng, nhiều vấn đề dân sinh bức xúc đã được Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh chỉ đạo tháo gỡ kịp thời như đầu ra sản phẩm cho người chăn nuôi bò sữa ở huyện Củ Chi, rồi lập đường dây nóng để tiếp thu và chỉ đạo giải quyết những phản ánh "nóng" của người dân, doanh nghiệp…
Có thể nói, tinh thần gần dân, sát dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; tác phong làm việc gần gũi, sâu sát với cơ sở, với người dân đã được thể hiện một cách sinh động trên thực tế thông qua nhiều hình thức, nhiều hoạt động cụ thể, ở nhiều cấp ủy, chính quyền… Những phát ngôn, hành động của người đứng đầu Đảng bộ, chính quyền TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hay Thanh Hóa có một điểm chung, đó là đều xuất phát từ quan điểm, tư tưởng gần dân, lo cho dân, lấy dân làm gốc và triết lý hành động vì lợi ích của nhân dân. Chính bởi vậy mà người dân càng thêm tin tưởng và đặt nhiều kỳ vọng cũng như sợi dây gắn kết cán bộ - người dân, Đảng, chính quyền với nhân dân thêm bền chặt.
2. Trong những năm qua, công cuộc cải cách hành chính đã đạt nhiều kết quả tích cực: Thủ tục hành chính, đặc biệt là trong lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội... được cắt giảm đáng kể, theo hướng có lợi cho dân, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân; đồng thời, hướng tới "đồng bộ hóa" với yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, suy cho cùng, khâu quan trọng nhất trong cải cách hành chính không phải chỉ là máy móc hiện đại, thủ tục tinh gọn, trụ sở thoáng đẹp... mà căn cốt chính là yếu tố con người.
Không khó để nhận thấy tình trạng cán bộ, công chức làm việc không hết trách nhiệm, "sáng cắp ô đi, tối cắp về". Và cũng dễ thấy trong những "ngổn ngang", "bề bộn" ở địa phương này địa phương kia thấp thoáng bóng dáng của sự cục bộ, lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng. Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội cuối năm 2015 đã chỉ rõ: "Nạn sách nhiễu, "tham nhũng vặt" còn phổ biến, gây bức xúc trong xã hội"; "Tình trạng nhũng nhiễu trong khu vực công còn nhiều, biểu hiện qua nạn hối lộ, lót tay, chạy chọt khi giao dịch với các cơ quan công quyền"... Tình trạng "một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên" thiếu lương tâm, thiếu trách nhiệm, suy thoái về đạo đức, lối sống, tham nhũng, hối lộ, lợi ích nhóm... là những lực cản lớn đối với con đường phát triển bền vững đất nước. Thực tế hiện nay cũng cho thấy, có những nơi, có những cơ quan mà khi đến làm việc, chưa hẳn người dân đã cảm nhận rõ về những thay đổi tích cực trong bộ máy hành chính, nguyên nhân chính là bởi cải cách con người còn chậm.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, người thầy của Cách mạng Việt Nam đã nói: "Cán bộ là cái gốc của công việc", "Công việc thành công hay thất bại là do cán bộ tốt hay xấu". Để thực sự "là cái gốc", để bảo đảm "công việc thành công" thì tinh thần, tác phong làm việc gần gũi, sâu sát với nhân dân, lắng nghe dân, trọng dân, vì dân chính là phương cách hữu hiệu đối với mỗi một cán bộ, đặc biệt là những người ở cương vị lãnh đạo. Tinh thần trọng dân, gần dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân là một điểm nổi bật trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và đây cũng là ngọn nguồn mọi thành công của Đảng ta trong lịch sử xây dựng và lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Lịch sử cũng như thực tế phong phú chứng minh, Đảng rất chú trọng công tác giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên và đã đào tạo được nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên hết lòng vì dân, vì nước, thực sự gắn bó với nhân dân như máu thịt, sẵn sàng chiến đấu, không tiếc máu xương và sẵn sàng hy sinh vì hạnh phúc của nhân dân.
Quan điểm, tác phong làm việc gần gũi, sâu sát với cơ sở của lãnh đạo Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Thanh Hóa và nhiều địa phương khác chính là sự tiếp tục của tinh thần lắng nghe dân, trọng dân, vì dân. Nhìn rộng hơn, đây còn là sự thể hiện mối gắn kết bền chặt của các cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân. Chính bởi vậy, tinh thần, tác phong làm việc này không những được dư luận đánh giá cao, nhân dân tin tưởng mà chắc chắn sẽ tạo những hiệu ứng tích cực đối với đời sống kinh tế - xã hội ở địa phương và đất nước. Và đó cũng chính là hành động thiết thực đáp ứng mong muốn lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như nguyện vọng của mọi người dân về một nhà nước thực sự của nhân dân và vì nhân dân.
Gần dân là để phục vụ dân, để giải quyết tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng của người dân! Mỗi một người cán bộ đều gần gũi, sâu sát để phục vụ nhân dân thì dứt khoát mọi công việc, dù khó đến mấy cũng chắc chắn thành công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.