Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải quyết kịp thời đơn, thư của công dân

Việt Tuấn| 31/10/2017 06:54

(HNM) - Thời gian qua, HĐND TP Hà Nội đã thực hiện tốt nhiệm vụ tiếp nhận thông tin, đôn đốc các cơ quan chức năng giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân.


Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội Nguyễn Hoài Nam phát biểu tại buổi làm việc với quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Trần Thảo


Tăng cường đối thoại trực tiếp

Công tác tiếp dân, đôn đốc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo (KNTC) thuộc trách nhiệm của HĐND TP Hà Nội thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực. Sau khi tiếp nhận đơn, thư từ nhiều nguồn, Thường trực HĐND thành phố đã phân loại, chuyển các cơ quan liên quan giải quyết theo thẩm quyền. Khác với trước đây, những đơn được chuyển đến cơ quan chức năng đều được Văn phòng HĐND thành phố cập nhật, theo dõi bằng hệ thống bảng, biểu và định kỳ rà soát kết quả xử lý.

Theo Chánh Văn phòng HĐND thành phố Lê Minh Đức, việc tổng hợp khoa học, bài bản, giúp việc đôn đốc giải quyết nhiều vụ việc tồn đọng, bức xúc kéo dài hiệu quả, được cử tri và nhân dân ghi nhận. Ngoài ra, Thường trực HĐND thành phố còn tăng cường tiếp dân theo vụ việc, mời các sở, ngành chức năng, lãnh đạo quận, huyện, thị xã (địa bàn có đơn, thư) tham dự. Tại buổi tiếp, Thường trực HĐND thành phố trực tiếp đối thoại với công dân, xử lý đơn và chỉ đạo các cơ quan giải quyết. Việc tiếp dân theo vụ việc của Thường trực HĐND thành phố cho thấy hiệu quả rất rõ bởi đã kịp thời nắm tâm tư, nguyện vọng của công dân và trực tiếp gỡ nhiều “nút thắt”. Trong 3 năm gần đây, Thường trực HĐND thành phố đã tiếp 30 vụ việc có nội dung phức tạp, kéo dài. Đến nay đã giải quyết xong 23 vụ; 7 vụ có văn bản trả lời, HĐND thành phố đang tiếp tục đôn đốc các cơ quan giải quyết.

Vụ việc của bà Công Thị Lịch (số 106, đường Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy) là vụ việc tiêu biểu trong tháng 9 qua, được Thường trực HĐND thành phố xử lý. Theo đơn của bà Công Thị Lịch, gia đình đã chấp hành việc thu hồi đất, bàn giao mặt bằng cho dự án đầu tư công trình thoát nước - dự án II tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy. Gia đình kiến nghị thành phố quan tâm, tạo điều kiện cho mua một căn hộ tái định cư, diện tích hơn 70m2 ở Khu đô thị Nam Trung Yên. Bởi thời điểm trước đó, Sở Xây dựng có Văn bản số 6434/SXD-PTN, đồng ý bố trí cho gia đình bà mua căn hộ, nhưng diện tích nhỏ (56,81m2). Trong khi diện tích thu hồi của gia đình lớn (361,15m2), nên bà không đồng tình. Vụ việc kéo dài từ năm 2010 đến giữa năm 2017 chưa được giải quyết. Sau khi tiếp công dân, Thường trực HĐND thành phố đã kết luận, đề nghị liên ngành: Sở Xây dựng, Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố và UBND quận Cầu Giấy thống nhất trình UBND thành phố phê duyệt phương án bán một căn hộ tái định cư như nguyện vọng của bà Công Thị Lịch.

Tăng trách nhiệm đôn đốc


Bên cạnh việc tổ chức hoạt động giám sát, khảo sát, thời gian qua, các ban HĐND thành phố đã thực hiện tốt chức năng chuyển vụ việc, đôn đốc các cơ quan, đơn vị xem xét, giải quyết quyền lợi chính đáng của cử tri và phản hồi, phúc đáp những vấn đề thuộc lĩnh vực của ban.

Cụ thể, tháng 9-2017, Ban Pháp chế HĐND thành phố đã chuyển đơn đến UBND huyện Thanh Trì và phản hồi cho công dân Nguyễn Viết Long (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) về “đề nghị xem xét việc UBND xã Tân Triều xử lý vi phạm trật tự xây dựng đối với gia đình ông Nguyễn Viết Long tại khu ao ven làng, thôn Yên Xá, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì”. Ban Đô thị HĐND thành phố cũng hướng dẫn ông Phạm Thế Đạt (ở phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng) gửi đơn khiếu nại đúng địa chỉ là Chủ tịch UBND thành phố về việc xem xét phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến phố Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng.

Dù có nhiều chuyển biến, song công tác thanh tra giải quyết KNTC vẫn còn khó khăn, phức tạp. Ngoài nguyên nhân, một số chính sách pháp luật còn chồng chéo, thì không ít quận, huyện chưa chủ động tham mưu, xin ý kiến chỉ đạo của cấp thẩm quyền để giải quyết kịp thời, dẫn đến một số vụ việc kéo dài, gây bức xúc.

Theo Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam, thời gian tới, dự báo tình hình KNTC còn tiềm ẩn phức tạp. Vì vậy, các bộ phận tiếp nhận và giải quyết đơn, thư KNTC của các cơ quan cần tăng cường trao đổi thông tin, rà soát, phân loại, tránh chồng chéo, trùng lắp, mâu thuẫn. Bởi thực tiễn, có nhiều vụ việc đã được các cấp chính quyền xử lý hết thẩm quyền, nhưng công dân vẫn không đồng tình, tiếp tục gửi nhiều đơn, đến nhiều nơi.

Để công tác tiếp công dân, đôn đốc, xử lý đơn, thư KNTC đạt hiệu quả hơn, tháng 8-2017, HĐND TP Hà Nội đã đề nghị UBND thành phố tăng cường công tác phối hợp trao đổi thông tin, nắm tình hình giải quyết KNTC của công dân giữa các cấp chính quyền; xây dựng phần mềm dùng chung trong công tác tiếp dân, xử lý đơn, thư. Đối với những vụ việc KNTC đông người, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, lãnh đạo UBND thành phố tập trung chỉ đạo, phân công trách nhiệm cho cơ quan tham mưu kiểm tra, rà soát, tổ chức đối thoại, thống nhất phương án giải quyết, sau đó ban hành quyết định và tổ chức thực hiện triệt để.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết kịp thời đơn, thư của công dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.