(HNM) - Yếu kém trong phối hợp công tác, thực hiện chưa đúng vai trò, chưa đủ trách nhiệm là hai trong số những điều mà các đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội về giải quyết kiến nghị của cử tri phát hiện sau những cuộc làm việc tại cơ sở vừa qua.
Cử tri phát biểu ý kiến trong buổi tiếp xúc tại quận Cầu Giấy của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Ảnh: Bảo Lâm |
Nhiều việc còn dang dở
Xác định bảo đảm an sinh xã hội tiếp tục là trọng tâm công tác của TP trong năm nay, HĐND TP Hà Nội đã mở đợt giám sát về công tác giải quyết kiến nghị của cử tri tại 12 sở, ngành, quận, huyện (bắt đầu từ ngày 2-3).
Điểm nổi bật là các cuộc giám sát cho thấy, vẫn còn đó nhiều kiến nghị của cử tri chưa được giải quyết dứt điểm qua nhiều kỳ họp, tốn nhiều thời gian, có trường hợp lên tới hàng năm trời. Ở Huyện Đông Anh, kiến nghị được cấp nước của 4 xã Kim Chung, Hải Bối, Võng La, Đại Mạch từ cuối năm 2007 đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Mặc dù các dự án đã khởi động từ đầu năm 2009, nhưng đến nay mới chỉ có 700 hộ của một thôn được dùng nước sạch, còn lại vẫn đang phải chờ đợi vì nhiều lý do khác nhau. Đó là chưa kể những kiến nghị về thu hồi đất để hoang hóa, tình trạng ngập làng mỗi khi mưa to vì cốt nền khu công nghiệp quá cao… Ở quận Ba Đình, cũng còn đó kiến nghị thu hồi đất để hoang chưa được xử lý dứt điểm. Hay dự án cống hóa mương Phan Kế Bính vẫn ngang nhiên tồn tại như cái gai trước mắt dư luận. Ở quận Đống Đa, tháp nước nghiêng ở Trung Tự không biết còn phải chờ đợi đến bao giờ để được giải tỏa, rồi nhà siêu mỏng vẫn cứ "sừng sững trên phố" bao lâu nay chưa có lời giải…
Những kiến nghị nói trên của cử tri cho đến khi các đoàn giám sát của HĐND TP tới làm việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Hầu hết các vấn đề thường không chỉ một mình quận, huyện có thể giải quyết được. Như việc cấp nước cho các xã ở Đông Anh, dự án do Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội triển khai, Sở Xây dựng quản lý trực tiếp, UBND huyện lo mặt bằng… Nên khi sự chậm trễ xảy ra, Công ty Kinh doanh nước sạch nói do thiếu mặt bằng, ngược lại, huyện Đông Anh cho rằng chậm vì khâu triển khai dự án. Đến nay, tranh cãi thì chưa ngã ngũ, kiến nghị vẫn còn đó.
Rõ trách nhiệm, sẽ rành kết quả
Tại sao hiệu quả giải quyết kiến nghị của cử tri chưa cao? Nguyên nhân được rút ra từ nhiều cuộc giám sát trong đợt này là vì "phối hợp công tác giữa các cơ quan chưa tốt". Giải đáp về kiến nghị đẩy nhanh tiến độ bán nhà theo Nghị định 61 tại quận Ba Đình, cả UBND quận và đại diện Sở Xây dựng đều thừa nhận chưa thực hiện đúng thời hạn duyệt hồ sơ theo quy định. Đó là chưa kể thời gian chuyển, trả hồ sơ để bổ sung, chỉnh sửa, việc "nghe ngóng, chờ đợi" phản hồi lại mất thêm rất nhiều thời gian hơn nữa. "Mỗi nơi, mỗi khâu chậm 2-3 ngày là thành ra chậm cả tháng rồi" - đại diện Sở Xây dựng nói. Vì thiếu phối hợp, kém hiểu nhau, nên các cơ quan cùng có trách nhiệm trong một việc thường nảy sinh tâm lý "nghe ngóng, chờ đợi, đùn đẩy", "anh tiến thì tôi tiến, chậm cùng chậm", thậm chí tìm cách đổ lỗi cho nhau, thoái thác trách nhiệm. Đó là tình trạng có thật, nếu cứ nhìn vào cảnh những kiến nghị của cử tri "lăn lóc" qua hết kỳ họp này, đến kỳ họp khác.
Lãnh đạo huyện Đông Anh khi trao đổi với Đoàn giám sát đã bày tỏ mong muốn UBND TP đứng ra làm "tổng chỉ huy" để tăng cường trách nhiệm của từng cơ quan và phối hợp giữa các cơ quan trong giải quyết kiến nghị của cử tri. Nhiều lãnh đạo quận, huyện, sở, ngành khác cũng bày tỏ mong muốn tương tự. Điều này cho thấy, không chỉ cần có người "phân vai" cụ thể cho các cơ quan liên quan trong giải quyết kiến nghị của cử tri, mà còn cần nhiều hơn những quy chế, chế tài quy định trách nhiệm của từng bên. Giải đáp tại sao tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị chậm, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở TNMT cho rằng, vì "trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, trong đó một số cán bộ TNMT cần chấn chỉnh". Để công việc bê trễ vẫn hưởng thưởng, phạt như bình thường thì không thể có phối hợp công tác tốt được. Muốn các cơ quan phối hợp công tác tốt, không thể không "phân vai" rõ ràng. Trách nhiệm rõ ràng, vai trò rõ ràng, tự khắc công việc sẽ trôi chảy.
Những vấn đề được rút ra từ các cuộc giám sát này dự kiến sẽ được đưa ra thảo luận kỹ càng tại cuộc làm việc giữa Thường trực HĐND TP và UBND TP dự kiến diễn ra đầu tháng 4 tới.
Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội sẽ giám sát tới cùng những lời hứa Tại mỗi cuộc giám sát, đơn vị cơ sở phải trình bày báo cáo bằng văn bản về kết quả giải quyết những kiến nghị của cử tri mà đoàn giám sát đã gửi yêu cầu trước đó. Sau khi nghe báo cáo, các thành viên đoàn giám sát chất vấn lãnh đạo đơn vị về những điều chưa rõ, còn thắc mắc, đặc biệt là về vai trò, trách nhiệm của đơn vị cũng như cách thức giải quyết mỗi kiến nghị. Sau đó, trưởng đoàn giám sát sẽ kết luận cuộc giám sát, qua đó nói rõ yêu cầu đối với đơn vị trong giải quyết từng kiến nghị của cử tri, nhắc lại lời hứa về kết quả, thời hạn mà đơn vị đó đưa ra. Ban Pháp chế HĐND TP được giao theo dõi, giám sát tới cùng những lời hứa đó. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.