(HNM) - Hạn chế nổi lên của công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo là không ít trường hợp khi phát hiện sai sót chưa mạnh dạn sửa sai lại đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.
Tại hội nghị tổng kết công tác tiếp dân, giải quyết KNTC năm 2013, triển khai nhiệm vụ năm 2014 do Thanh tra Chính phủ tổ chức ngày 19-2, nhiều ý kiến cho rằng để khắc phục tình trạng trên cần chú trọng giám sát, nâng cao đạo đức nghề nghiệp của lực lượng thực thi công vụ, đặc biệt là ở những lĩnh vực nhạy cảm như quản lý, sử dụng đất, đầu tư, xây dựng...
Lĩnh vực quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng thường phát sinh khiếu kiện kéo dài. Ảnh: Huy Hùng |
Kết quả chưa bền vững
Tổng kết năm 2013, số lượt công dân đến các cơ quan hành chính nhà nước để KNTC và số đoàn đông người giảm khoảng 2% so với năm 2012. Số vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính nhà nước giảm trên 30%. Đây là kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, ở cấp TƯ, các lượt đoàn đông người đến trụ sở tiếp dân của TƯ Đảng và Nhà nước tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tăng 13,6% so với cùng kỳ; số vụ việc phản ánh cũng tăng tới 11,3%. Theo thống kê, hiện các bộ, ngành, địa phương có nhiều đơn thư KNTC là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Long An, Quảng Ngãi. Năm 2013, riêng Thanh tra Chính phủ đã xử lý 16.553 trong tổng số 16.903 đơn thư tiếp nhận, trong đó có 5.124 đơn đủ điều kiện xử lý; còn lại là đơn trùng lặp, nặc danh, không rõ nội dung và địa chỉ người tố cáo. Riêng đối với 528 vụ việc KNTC tồn đọng, phức tạp, kéo dài thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đã rà soát 100% vụ việc, có phương án giải quyết 475/528 vụ việc. Quá trình xử lý, các ngành, các cấp và địa phương đã có phương án khôi phục quyền lợi và hỗ trợ cho công dân 1.389,2 tỷ đồng; 34,33ha đất sản xuất; 0,84ha đất ở; 24 nền nhà tái định cư.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nhận định, đơn thư KNTC tồn đọng, phức tạp, kéo dài đã xử lý gần hết đồng nghĩa với việc các địa phương đã nghiêm túc triển khai nghị quyết của Quốc hội, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia giải quyết KNTC. Song nhìn tổng thể, diễn biến tình hình cũng cho thấy kết quả giải quyết KNTC chưa bền vững, thiếu nền tảng vững chắc và việc giải quyết KNTC còn bộc lộ những bất cập.
Cần giải pháp tổng thể
Qua phân tích xử lý đơn thư, Tổng Thanh tra Chính phủ nhận định, năm 2014, tình hình KNTC của công dân có thể tăng không nhiều nhưng diễn biến vẫn gay gắt, phức tạp. Trong khi đó, cơ chế giải quyết KNTC của công dân hiện còn thiếu đồng bộ. Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi, nắm chắc tình hình KNTC và chủ động, kịp thời giải quyết ngay từ khi mới phát sinh, phấn đấu tỷ lệ giải quyết đạt trên 85%. Đồng thời, cần tập trung giải quyết dứt điểm 53 vụ việc nằm trong 528 vụ việc KNTC tồn đọng kéo dài trong quý I-2014.
Để đạt mục tiêu trên, không thể có giải pháp đơn lẻ mà kết quả chỉ có thể đến với một gói các giải pháp tổng thể. Hiện Thanh tra Chính phủ đã có Kế hoạch 2100/KH-TTCP về việc tiếp tục kiểm tra, rà soát KNTC. Các địa phương cần tập trung thực hiện cao độ để hạn chế đến mức tối đa các tình huống phức tạp phát sinh, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Công việc này cần được xác định là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, các ngành có liên quan. Quá trình triển khai phải có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương mới tạo được đồng thuận trong giải quyết. Bên cạnh đó, cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của lực lượng thực thi công vụ, đặc biệt là ở những lĩnh vực dễ phát sinh đơn thư KNTC là quản lý, sử dụng đất, đầu tư, xây dựng; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc để nâng cao trách nhiệm người đứng đầu đi đôi với xử lý kịp thời, nghiêm minh những cán bộ, công chức, nhất là những cán bộ, công chức có thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết KNTC trong thi hành công vụ không làm đúng chính sách, pháp luật.
Thanh tra Chính phủ cũng sẽ tăng cường giám sát để sớm khắc phục những yếu kém trong công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực ở một số địa phương, bộ, ngành. Nổi lên là có trường hợp khi phát hiện sai sót không mạnh dạn sửa sai lại đùn đẩy né tránh trách nhiệm; việc chấp hành, triển khai các quyết định có hiệu lực pháp luật chưa nghiêm. Một số địa phương, điển hình như TP Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Bắc Kạn, Khánh Hòa, Cà Mau tuy việc kiểm tra rà soát KNTC ban đầu nhanh nhưng khâu ra văn bản giải quyết vừa chậm, vừa lúng túng, lại chưa vận dụng chính sách pháp luật trong giải quyết KNTC có lợi cho người khiếu nại, gây bức xúc không đáng có…
Theo thống kê bước đầu, ngoài 53/528 vụ việc KNTC kéo dài, hiện nay cả nước có 1.335 vụ việc phức tạp, tồn đọng cần tập trung giải quyết. Trong đó phía Bắc có 375 vụ việc; miền Trung - Tây Nguyên có 120 vụ việc; phía Nam có 840 vụ việc. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.