Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải quyết khiếu nại hành chính: Bộc lộ nhiều bất cập

Hiền Chi| 06/07/2013 07:05

(HNM) - Thủ tục giải quyết khiếu nại hành chính (KNHC) của công dân dù có ưu điểm song vẫn còn một số bất cập chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời làm ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân.

Quyền KNHC là nhu cầu và khả năng của công dân được nhà nước bảo đảm. Các quốc gia trên thế giới xác lập những phương thức khác nhau để giải quyết KNHC, tập trung vào 3 dạng: Thủ tục bảo hiến, thủ tục hành chính (TTHC) và thủ tục tư pháp.

Ở Việt Nam, hiện chưa có thủ tục bảo hiến chuyên trách, việc giải quyết KNHC của công dân chỉ thực hiện bằng hai loại là TTHC và thủ tục tư pháp. Hai thủ tục này dù có những ưu điểm song cũng bộc lộ không ít hạn chế. TTHC giải quyết KNHC của công dân hiện nay được thực hiện theo Luật Khiếu nại 2011. So với trước đây, thủ tục này đã có tiến bộ đáng kể vì cho phép công dân khởi kiện vụ án hành chính ra tòa án trong bất kỳ giai đoạn nào. Tuy nhiên, hạn chế là chưa gắn với thủ tục tiếp công dân và xử lý đơn thư; việc tiếp và chuyển đơn thư khiếu nại còn lòng vòng, khó theo dõi và giải quyết; còn xảy ra tình trạng chồng chéo, trùng lắp. Đặc biệt, thời hạn giải quyết khiếu nại chưa phù hợp là một bất cập đã được phát hiện từ khi thực hiện Luật Khiếu nại tố cáo (KNTC) năm 1998 nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục.

Hầu hết KNHC trên các lĩnh vực đều được giải quyết theo trình tự, thủ tục, thời hạn như nhau (thời hạn thụ lý giải quyết khiếu nại lần đầu là 10 ngày, thời hạn giải quyết là 30 ngày). Quy định này không phù hợp với một số lĩnh vực (thực phẩm, xuất nhập cảnh…) khiếu nại đòi hỏi phải được giải quyết ngay (tính bằng ngày, bằng giờ). Bên cạnh đó, thủ tục tư pháp giải quyết KNHC cũng bộc lộ nhiều bất cập. Điển hình là biện pháp bảo đảm thi hành các bản án, quyết định của tòa án chưa thực sự hiệu quả. Nếu cơ quan hành chính hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính không chấp hành bản án, quyết định của tòa án thì tòa án cũng không có quyền xử lý trực tiếp đối với những hành vi vi phạm. Điều đó cho thấy, việc bảo đảm thi hành các bản án, quyết định của tòa án chưa cao.

Theo Phó Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra Nguyễn Tuấn Khanh, một trong những yếu tố để hoàn thiện các phương thức giải quyết KNHC là cần xây dựng thủ tục bảo hiến chuyên trách để giải quyết KNHC. Đồng thời, TTHC cần được thiết lập đơn giản hơn và về lâu dài nên bỏ quy định về việc giải quyết khiếu nại lần hai. Nếu công dân không đồng ý với việc giải quyết của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì có quyền khởi kiện ra tòa án theo thủ tục tư pháp để được bảo vệ.

Từ năm 2007-2012, các cơ quan của Quốc hội đã tiếp nhận 127.714 đơn thư của công dân. Sau khi phân loại các đơn, thư không đủ điều kiện xử lý do trùng lặp, đơn nặc danh, đơn đã có quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo có hiệu lực và đúng pháp luật, các cơ quan của Quốc hội đã chuyển 9.047 đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết và đã nhận được 6.208 văn bản trả lời (đạt tỷ lệ 69%).

Nâng cao nhận thức và trách nhiệm

Tại hội thảo, nhiều đại biểu quan tâm đến trình độ cán bộ và nhận thức của người dân về pháp luật. Tại Thủ đô Hà Nội, 5 năm qua, các cơ quan hành chính của TP Hà Nội đã tiếp 159.169 lượt công dân; tiếp nhận và xử lý 91.880 đơn các loại; thụ lý theo thẩm quyền 9.006 vụ khiếu nại. Các cơ quan hành chính đã giải quyết 7.875 vụ, đạt tỷ lệ 87%. Kết quả giải quyết cho thấy: 13% là khiếu nại đúng; 60% là khiếu nại sai; 21% là khiếu nại đúng một phần, số còn lại là hòa giải thành công, hoặc rút đơn khiếu nại. Phó Chánh Thanh tra TP Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn nhận xét: Cùng một vụ việc nhưng công dân lại gửi đơn đến nhiều cơ quan khác nhau. Nguyên nhân chủ quan là trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức của một số cán bộ, công chức ở địa phương còn nhiều hạn chế; đội ngũ cán bộ giải quyết khiếu nại ở cơ sở còn thiếu về số lượng, chất lượng không đồng đều. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của một số người dân chưa tốt.

Phó Chánh Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Huấn cho biết kết quả khảo sát 262 phường, xã của tỉnh cho thấy, trình độ một số cán bộ cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu, trong khi đó nhận thức của người dân về pháp luật cũng chưa tốt. Tương tự, tại TP Hải Phòng - đơn vị thực hiện khá tốt công tác cải cách TTHC, KNHC trên địa bàn vẫn tăng về số lượng (nhất là sau vụ cưỡng chế thu hồi đất nuôi trồng thủy sản tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng).

Tiến sĩ Trần Văn Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ I, Văn phòng Chính phủ, khẳng định, trong hoạt động giải quyết khiếu nại của cơ quan hành chính nhà nước, cán bộ đóng vai trò then chốt, quyết định đến chất lượng, hiệu quả, tính đúng đắn của hoạt động này. Dù đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu giải quyết khiếu nại từng bước tăng về số lượng, nhưng còn bất cập. Cụ thể, người đứng đầu cơ quan hành chính có thẩm quyền giải quyết khiếu nại không chuyên nghiệp; đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu còn kiêm nhiệm nhiều việc; cơ chế quản lý, sử dụng và chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ chưa thỏa đáng.

Theo các chuyên gia, để ngăn ngừa, hạn chế phát sinh khiếu nại cần tập trung hoàn thiện các quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại với mục tiêu bảo đảm khách quan, minh bạch và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho công dân. Song biện pháp tốt nhất là tăng cường tuyên truyền, giáo dục ở cấp cơ sở nhằm tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức pháp luật của cán bộ và người dân, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng trong công tác giải quyết khiếu nại.

(HNM) - Ngày 5-7, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên họp cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 228/NQ-UBTVQH10 về việc đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tiếp công dân, tiếp nhận, chuyển đơn, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) và kiến nghị của công dân.

Các ý kiến đề xuất chỉnh sửa thẩm quyền xử lý, giám sát việc giải quyết đơn, thư của ĐBQH để khắc phục tình trạng lúng túng trong tổ chức thực hiện, đồng thời bổ sung các chế tài thúc đẩy các cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật các KNTC của công dân. Mặt khác, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần tăng cường thời lượng, chất lượng xử lý và giám sát việc giải quyết các đơn thư KNTC của công dân; bảo đảm các yếu tố công khai, minh bạch, dân chủ trong xử lý đơn thư. Quốc hội cũng cần có trụ sở tiếp công dân riêng.

Hồ Bách
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết khiếu nại hành chính: Bộc lộ nhiều bất cập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.