Vận động người dân ngoại thành Hà Nội hạn chế đốt rơm, rạ, nhân rộng các mô hình xử lý rơm, rạ làm phân hữu cơ vi sinh… là những giải pháp lâu dài chấm dứt tình trạng khói mù bủa vây nội thành.
Nhận định về hiện tượng khói mù mấy ngày qua tại khu vực nội thành Hà Nội, các chuyên gia môi trường khẳng định, đây không phải hiện tượng khói mù quang hóa, có nguồn gốc từ khí thải ô nhiễm.
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Phạm Văn Khánh, thực chất, đây không phải hiện tượng lạ đối với người dân các quận nội thành. Vài năm trở lại đây, cứ vào mùa thu hoạch trùng với thời điểm thời tiết nắng nóng, nông dân ở các huyện ngoại thành thu hoạch và đốt rơm rạ gây ra hiện tượng khói mù bao trùm phố phường.
Không chỉ có Hà Nội, ở các tỉnh khác như Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên… cũng xảy ra tình trạng trên.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội cũng cho biết, đến thời điểm này, các huyện khu vực ngoại thành như Thanh Trì, Từ Liêm, Đông Anh, Gia Lâm... đã thu hoạch gần 100% diện tích lúa Xuân.
Trước đây, thu hoạch xong, rơm rạ, bà con thường thu gom để sử dụng cho chăn nuôi, làm chất đốt. Nhưng mấy năm gần đây, nông dân thường đốt ngay tại ruộng khi rơm, rạ vẫn còn tươi, cộng thêm thời tiết nắng nóng, các luồng đối lưu bị cản trở nên gây khói mù.
Chi cục phó Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội Ngô Thái Nam cho biết, năm nào Chi cục cũng kiến nghị các huyện không cho phép đốt rơm, rạ mà cần tìm giải pháp xử lý khác. Tuy nhiên, các huyện, xã chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân và có hướng giải quyết cụ thể.
Trong 2 ngày 7 – 8/7, Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội đã thành lập một số đoàn kiểm tra, trực tiếp xuống các huyện, xã để vận động người dân và cùng với địa phương tìm giải pháp khắc phục. Trước mắt sẽ hướng dẫn người dân chỉ đốt rơm, rạ khi đã được phơi khô, đốt ở đầu gió, lựa chọn thời gian thích hợp…
Một số chuyên gia về môi trường đã đề xuất những giải pháp lâu dài, như sau khi tuyên truyền, vận động nếu vẫn tái diễn có thể áp dụng chế tài thưởng, phạt; thanh tra môi trường cũng cần vào cuộc để xác định các tiêu chuẩn khí thải gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Bên cạnh đó, một trong những giải pháp có tính bền vững là triển khai xây dựng mô hình xử lý rơm, rạ làm phân hữu cơ vi sinh.
Một số địa phương đã áp dụng rất tốt mô hình này như huyện Bình Giang và Thanh Hà của tỉnh Hải Dương. Hai huyện này đã phối hợp với Công ty TNHH NAB và men vi sinh Fitohoocmon của Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học (Hà Nội) hướng dẫn kỹ thuật cho hơn 500 hộ dân ủ rơm làm phân vi sinh và tuyên truyền vai trò mô hình tổ liên kết các hộ gia đình, hỗ trợ lẫn nhau về kỹ thuật, giúp nhau thu gom, đảo nguyên vật liệu trong quá trình ủ.
Việc tận dụng các phế thải nông nghiệp sau mỗi vụ thu hoạch tạo ra lượng phân ủ đã góp phần bảo vệ môi trường, bón lót cho ruộng, giảm lượng phân vô cơ, tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn cho người sử dụng. Đồng thời còn có tác dụng cải tạo đất và giảm chi phí đầu vào trong sản xuất nông nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.