(HNMO) – Sáng 27/9, Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị giao ban với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý III/2012 về vấn đề nóng, gây nhiều bức xúc trên địa bàn TP là công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng (GPMB).
Trình bày báo cáo đánh giá tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Huy Tưởng cho biết: Trong 9 tháng đầu năm 2012, tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn TP có chiều hướng gia tăng về số lượng và số đoàn đông người. Tính chất các vụ khiếu nại diễn biến phức tạp như khiếu kiện gay gắt, tổ chức theo đoàn, kích động, xúi giục, lôi kéo làm ảnh hưởng đến trật tự công cộng. Trong đó, khiếu nại về đất đai, GPMB chiếm tỷ lệ cao tới 75%, cao hơn bình quân của các nước là 70%.
Một số đoàn có tính chất phức tạp, khiếu kiện gay gắt, nội dung chủ yếu liên quan đến GPMB, giao đất nông nghiệp, giao đất dịch vụ hoặc chuyển đổi mô hình thương mại như: Đoàn 100 công dân phường Dương Nội, 70 công dân phường Kiến Hưng, 40 công dân thôn Do Lộ, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông; Đoàn 150 tiểu thương chợ Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy… Cá biệt, một số trường hợp có tổ chức, có sự liên kết giữa các đoàn, lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để kích động, xúi giục, lôi kéo tập trung đông người, mặc áo đỏ có in khẩu hiệu, mang băng rôn biểu ngữ diễu hành trên đường phố làm ảnh hưởng đến trật tự công cộng tại trụ sở một số cơ quan hành chính của nhà nước và trên địa bàn TP.
Tình trạng khiếu nại, tố cáo nói trên chủ yếu liên quan đến các quận, huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh, triển khai nhiều dự án xây dựng như: Hà Đông, Từ Liêm, Sóc Sơn, Đông Anh, Quốc Oai…; và do buông lỏng công tác quản lý đất đai ở một số huyện trong các giai đoạn như Quốc Oai, Phú Xuyên, Thanh Oai, Chương Mỹ, Mê Linh…
Để tình trạng khiếu nại, tố cáo gia tăng có trách nhiệm của một số địa phương chưa gắn việc tiếp công dân với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng và cải cách hành chính. Công tác xử lý đơn còn hạn chế, nhất là ở cấp cơ sở còn nhầm lẫn giữa đơn khiếu nại, tố cáo với đơn kiến nghị, phản ảnh. Xác định sai về thẩm quyền giải quyết, nhất là trong việc xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai giữa cơ quan hành chính với cơ quan tòa án.
Bên cạnh đó, một số vụ khiếu nại, tố cáo còn chậm giải quyết, gây bức xúc cho người dân, phát sinh khiếu kiện vượt cấp. Một số đơn vị chưa quan tâm đầy đủ đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, chỉ chú trọng đến việc giải quyết hết thẩm quyền mà chưa quan tâm đến giải quyết dứt điểm vụ việc. Có nơi, có chỗ cồn né tránh, đùn đẩy trách nhiệm hoặc thiếu nghiêm túc, kịp thời trong thực hiện các văn bản của Trung ương, Thành ủy và UBND Thành phố về giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Từ đó dẫn đến việc người dân có thái độ gay gắt, cho rằng chính quyền cố tình bao che sai phạm, làm giải lòng tin của người dân vào bộ máy chính quyền.
Hệ thống chính sách, pháp luật đất đai, GPMB chưa hoàn thiện, thường xuyên thay đổi, bổ sung, tạo tâm lý so bì, khiếu kiện về quyền lợi, đồng thời gây khó khăn, lúng túng. Sự chênh lệch giữa giá đất thực tế trên thị trường và khung giá đất do Chính phủ quy định, gây tâm lý bị thiệt đối với người dân, dẫn đến khiếu kiện.
Tình hình khiếu nại, tố cáo trên làm ảnh hưởng trật tự công cộng, làm chậm tiến độ triển khai một số dự án GPMB, tiềm ẩn những vấn đề phức tạp liên quan đến trật tự xã hội.
Tìm nguyên nhân và hướng tháo gỡ
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo nhận định: Vấn đề khiếu nại, tố cáo đang bức xúc, tồn đọng trên tất cả 29 quận, huyện. Các quận, huyện cần xác định nguyên nhân, khiếu nại, tố cáo vì sao trong thời gian qua tăng lên? Đặc biệt, khiếu nại liên quan đến đất đai, GPMB đông người hơn, bức xúc hơn; tìm hiểu nguyên nhân chủ quan từ quy hoạch, GPMB, trình tự thủ tục thu hồi, các vấn đề chính sách bồi thường, trách nhiệm phối hợp; Đưa ra kinh nghiệm, giải pháp căn cơ, kiến nghị của TP và Trung ương.
Tham luận về vấn đề giải quyết khiếu nại trên địa bàn quận Long Biên, Chủ tịch UBND quận Đỗ Mạnh Hải cho biết: Long Biên là quận rộng nhất, hàng năm có khoảng 5.0000 phương án GPMB, kinh phí trả trên 3.000 tỷ đồng. Đơn thư khiếu nại trong lĩnh vực GPMB chiếm tỷ lệ 70%. Tình hình GPMB trên địa bàn quận cơ bản đáp ứng được tiến độ các dự án, không có sai phạm lớn. GPMB là vấn đề khó, phức tạp nên ngay từ khi triển khai dự án thường trực quận ủy đã tập trung chỉ đạo ngay từ đầu, xuyên suốt, không để vấn đề xảy ra mới giải quyết. Quận công khai các chính sách và đối tượng áp dụng trong suốt quá trình thực hiện. Tuy nhiên, vẫn có nhiều đơn thư, phân công giải quyết ngay để hạn chế các vấn đề phát sinh… Thường có 3 nguyên nhân chính gây bức xúc cho người dân: sai sót của chính quyền, bất cập trong chính sách, sai sót của chủ đầu tư.
Theo đó, ông Hải kiến nghị, TP hoàn thiện chính sách trong đất đai, đền bù GPMB, tái định cư… giảm kéo dài dự án (ví như thủ tục trình giá đất, GPMB đất ở thông thường kéo dài 2 năm; xác lập theo giá đất theo quyết định của TP ban hành, gây bức xúc cho người dân vì giá của TP chỉ bằng 1/3 giá thị trường…). Cơ chế vốn cho GPMB còn nhiều vướng mắc.
Chia sẻ về kinh nghiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo, ông Lê Văn Thư – Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm bày tỏ: 9 tháng đầu năm, huyện Từ Liêm tiếp nhận 600 đơn thư, giải quyết được trên 80%. Trên 90% đơn thư liên quan đến GPMB, đất đai. Việc giải quyết khiếu nại vắt qua nhiều chính sách. Từ Liêm đã vận dụng tối đa các quy định của chính sách để giải quyết theo hướng có lợi cho nhân dân nhất. Xác định rõ ràng việc khiếu nại có lỗi không, nếu liên quan đến chính quyền kiên quyết giải quyết; kiên trì vận động nhân dân hiểu các chính sách của TP và nhà nước.
Bên cạnh đó, ông Thư cũng kiến nghị, TP quan tâm chỉ đạo thiết lập quản lý hồ sơ đất đai; Rà soát chính sách đền bù, hiện đang rất phức tạp (giá đất đền bù bằng 10% giá thực tế, người dân rất thiệt). Ngoài ra, hiện đang xảy ra xung đột trong xây dựng chợ với người tiểu thương, cần nghiên cứu điều chỉnh. Bên cạnh đó, nghiên cứu những chỗ đất quy hoạch nhưng chưa có dự án. Riêng với Từ Liêm xin TP quan tâm cấp vốn đường 32; nghiên cứu đất dịch vụ cho dự án Tây Hồ Tây.
Sau khi nghe ý kiến của một số quận, huyện, sở, ngành, Mặt trận tổ quốc, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đánh giá: Vừa qua, các cơ quan hành chính của TP đã tập trung giải quyết các đơn thư khiếu nại tố cáo. Trong 9 tháng đã tiếp 15.054 lượt công dân; tiếp nhận và xử lý 21.487 đơn các loại; giải quyết 1.633 vụ khiếu nại, tố cáo. Thông qua đó đã giải quyết được quyền lợi của nhân dân, rút kinh nghiệm hoàn thiện cơ chế chính sách (từ các vụ việc ở Từ Liêm, Long Biên, Phú Túc – Phú Xuyên). Tuy nhiên, tình hình hiện nay còn rất phức tạp nhất là ở Dương Nội – Hà Đông…
Đối với các vụ việc còn tồn tại hiện nay, các Chủ tịch các quận, huyện tập trung giải quyết dứt điểm, quan tâm đến các kiến nghị chính đáng của nhân dân, thống nhất trong chính sách giải quyết, công bằng. Kiên quyết đấu tranh những người kích động, vi phạm kỷ cương pháp luật. Kiên quyết thu hồi và không duyệt dự án không hiệu quả, không khả thi; rà soát các dự án, công khai thông tin. Sở TNMT cần quyết liệt hơn trong công tác thu hồi, giảm thiểu bức xúc (hiện đang là thiếu sót của Hà Nội). Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, tạo sự thống nhất đồng thuận của nhân dân. Rà soát lại các cơ chế GPMB đảm bảo lợi ích của quốc gia, nhân dân, đảm bảo cuộc sống cho nhât dân ít nhất là bằng hoặc tốt hơn sau khi thu hồi đất… Xây dựng quy chế phối hợp, chế tài xử lý. Tiếp theo đó là kiện toàn đội ngũ GPMB, nâng cao năng lực. Khi có vấn đề phát sinh, các cơ quan liên quan tổ chức đối thoại với nhân dân ngay để xử lý kịp thời; mang lại niềm tin cho người dân. Ngoài ra, Chủ tịch cũng cho biết, sau cuộc họp, sẽ hoàn thiện văn bản để TP ra văn bản chỉ đạo.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhìn nhận: Trong những năm vừa qua, Thủ đô Hà Nội có tốc độ đô thị hóa nhanh phải thu hồi GPMB nhiều dự án lớn. Bí thư đánh giá cao sự vào cuộc của các cấp chính quyền, đoàn thể trong giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến GPMB. Nhiều dự án về môi trường, rác, tranh chấp đất đai trên địa bàn TP đã giải quyết tốt. Tuy nhiên, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nhưng phải giải quyết tốt công tác khiếu nại. Riêng về vấn đề cải tạo các chợ truyền thống thành trung tâm thương mại, siêu thị nhưng hiện không đi vào cuộc sống; theo đó, nên dừng việc xây dựng chợ Nghĩa Tân. Hay như với chợ đầu mối, xây dựng có thành công không, cần phải điều chỉnh? Bí thư tán thành 3 nguyên nhân sai phạm trong công tác GPMB liên quan đến khiếu nại do Chủ tịch quận Long Biên đã nêu ra. Luật Đất đai tới đây Quốc hội sẽ sửa liên quan nhiều đến vấn đề định giá. Cần đặt mình vào lợi ích của người dân để suy nghĩ hướng tháo gỡ.
Bí thư chỉ đạo, trong thời gian tới cần quán triệt việc giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, có tầm quan trọng về an ninh trật tự. Tấm gương như, Hải Phòng với vụ Tiên Lãng, Văn Giang – Hưng Yên sẽ còn tốn rất nhiều công sức để giải quyết. Những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải đứng ra giải quyết khiếu nại. Hoàn thiện cơ chế chính sách, cán bộ phải bớt quan liêu, máy móc; giải quyết tối đa lợi ích cho người dân trên cơ sở chính sách đang áp dụng; công khai, dân chủ, công bằng. Các cấp, các ngành phải nâng cao công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; gắn với cải cách hành chính, đấu tranh phòng chống tham nhũng…; giải quyết dứt điểm vụ việc; phối kết hợp việc giám sát, thanh kiểm tra; phát huy vai trò của HĐND, MTTQ… trong công tác quản lý đất đai, GPMB.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.