Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp trước mắt và lâu dài

Chí Kiên| 24/03/2020 06:21

(HNM) - Đáp ứng yêu cầu của việc phòng, chống dịch Covid-19, họp trực tuyến, trao đổi, giao nhiệm vụ qua mạng nội bộ, các nhóm trên mạng xã hội Zalo là những phương thức đã được nhiều doanh nghiệp, cấp, ngành, địa phương ở Hà Nội thực hiện thời gian qua để hạn chế tập trung đông người.

Sự thay đổi kịp thời này không những đáp ứng đòi hỏi tiến độ, chất lượng công việc mà còn mang lại hiệu quả cao trước nhiệm vụ cấp bách phòng, chống dịch bệnh hiện nay.

Thực tế cho thấy, ngoài các hội nghị phải tổ chức trực tiếp bởi lý do bất khả kháng, thì các cuộc họp trực tuyến vẫn bảo đảm đầy đủ yêu cầu về nội dung, đặc biệt là thành phần dự họp được mở rộng hơn đến tận cấp cơ sở. Đây là điểm tích cực, giúp đội ngũ cán bộ ở các cấp, ngành lĩnh hội trực tiếp chỉ đạo của cấp thẩm quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị để triển khai kịp thời công việc. Việc này càng có ý nghĩa trong tình thế chống dịch Covid-19 khi luôn đặt ra yêu cầu khẩn trương, mọi lãnh đạo, chỉ đạo phải được cụ thể hóa một cách sớm nhất có thể.

Ngoài ra, làm việc trực tuyến cũng cho thấy hiệu quả và nhiều lợi thế. Với tính tương tác cao, nhanh chóng, giúp việc chỉ đạo, điều hành, trao đổi thông tin giữa các bên liên quan được diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi. Qua hình thức này, cơ quan chức năng tiếp thu được nhiều ý kiến, kiến nghị, những vấn đề bức xúc từ cơ sở do người dân phản ánh. Ở chiều ngược lại, người dân được tiếp cận những thông tin chính thống từ cơ quan chức năng.

Nhìn xa hơn, đặt trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, những phương thức họp, làm việc trực tuyến ngày càng trở thành xu thế tất yếu, mang lợi ích lâu dài, góp phần quan trọng xây dựng chính phủ điện tử, thành phố thông minh ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả họp trực tuyến, chất lượng cuộc họp vẫn là yếu tố then chốt. Theo đó, việc cần quan tâm nhất là xây dựng nội dung cuộc họp phù hợp với thời gian, đi thẳng vào vấn đề phải giải quyết. Các thành phần dự họp cần nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ thông tin, bảo đảm ngắn gọn, dễ hiểu để bàn thảo; đồng thời thực hiện nghiêm các quy chế, quy định về họp trực tuyến, đến họp đúng giờ, dự hết thời gian cuộc họp, trang bị đầy đủ thiết bị cần thiết (máy tính hoặc điện thoại có kết nối internet)…

Về nhóm giải pháp hạ tầng kỹ thuật, yêu cầu cao nhất là các ứng dụng họp trực tuyến, làm việc trên mạng xã hội phải có độ bảo mật tuyệt đối, an toàn an ninh mạng. Những phần mềm ứng dụng cần được cung cấp bởi đơn vị uy tín, đã được cơ quan chức năng chứng nhận, cấp phép. Việc lựa chọn ứng dụng cũng cần thân thiện, dễ sử dụng, tương thích với các phần mềm cũng như thiết bị khác nhau. Điều này sẽ giúp người điều hành dễ dàng xử lý những tình huống xảy ra trong thời gian họp; người tham gia cuộc họp có thể tương tác ngay khi có yêu cầu.

Nhiệm vụ quan trọng tiếp theo, cả trước mắt và lâu dài là hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. Việc này khó có thể làm được ngay, nhưng với yêu cầu hiện nay, nhất là với công tác phòng, chống dịch Covid-19, thì các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tận dụng triệt để hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin hiện có. Về lâu dài cần dành nguồn lực thích đáng cả về vật chất lẫn con người, đầu tư theo từng giai đoạn hoặc ưu tiên việc cần làm trước để đáp ứng được công việc.

Họp trực tuyến hay làm việc theo nhóm trên mạng xã hội đã được ứng dụng, nhưng chưa nhiều. Song, trước nhiệm vụ chống dịch Covid-19, công việc này đã được đẩy lên một tầm mức mới. Chủ động thích ứng và thích nghi, mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân sẽ góp phần thực hiện nhiệm vụ "kép" - vừa chống dịch vừa góp phần xây dựng chính phủ điện tử.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp trước mắt và lâu dài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.