(HNM) - Dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, song 5 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn tăng 11,2%; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tín hiệu đáng mừng này cho thấy, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng vẫn không hề giảm; sức chống chịu, vươn lên của ngành bán lẻ Thủ đô ngày càng cải thiện.
Kết quả trên là sự nỗ lực, tinh thần “khó khăn gấp hai, nỗ lực, cố gắng phải gấp ba” của thành phố Hà Nội. Thành phố đã chủ động đánh giá tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế và đưa ra các kịch bản chi tiết; từ đó, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của người dân… Đặc biệt, các doanh nghiệp đã có sự sáng tạo, linh hoạt thích ứng với xu hướng mua sắm mới của khách hàng - chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến…
Tuy vậy, thực tế cũng cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đầu năm 2021 tăng trưởng khá, song chưa ổn định và bền vững khi doanh thu tháng 5-2021 giảm 6,9% so với tháng 4-2021. Vì vậy, để duy trì được đà tăng trưởng từ nay đến cuối năm 2021, đòi hỏi thành phố Hà Nội phải nỗ lực vượt bậc. Nhanh chóng nắm bắt tình hình, ngày 19-5-2021, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 1516/UBND-KT về tăng cường các giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của thành phố năm 2021. Vấn đề quan trọng là các sở, ban, ngành cần tập trung triển khai thực hiện tốt công văn này; theo dõi sát diễn biến thị trường để xử lý các vấn đề phát sinh; đồng thời tiếp tục kiểm soát chất lượng, giá cả các mặt hàng, sản phẩm thiết yếu phục vụ đời sống, sức khỏe nhân dân. Bên cạnh đó là chủ động nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh để sớm có biện pháp tháo gỡ; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn hàng, liên kết tạo các chuỗi sản xuất - phân phối…
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, việc đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa phải được đặc biệt coi trọng. Muốn vậy, cần làm tốt chính sách khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; chủ động các phương án, kế hoạch để khi điều kiện cho phép thì tổ chức các chương trình hội chợ hàng Việt Nam, hội chợ đặc sản vùng miền bên cạnh các chuyến bán hàng Việt Nam tại ngoại thành, khu công nghiệp; tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia các chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu, cung cấp sản phẩm dịch vụ, hàng hóa tốt cho người tiêu dùng nhằm thúc đẩy nhu cầu mua sắm… Việc kích cầu thị trường nội địa cũng nên hướng đến những người có thu nhập thấp để tăng tiêu dùng, từ đó tạo ra hiệu ứng lan tỏa, kích thích doanh nghiệp mở rộng sản xuất.
Cùng với sự hỗ trợ của thành phố, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh, có sản phẩm chất lượng, giá phù hợp, dịch vụ sau bán hàng tốt, tạo được niềm tin với người tiêu dùng. Đặc biệt, cần tiếp tục mở rộng kênh bán hàng trực tuyến; đẩy mạnh phân phối hàng hóa trên nền tảng thương mại điện tử tại thị trường nội địa…
Với tình hình dịch bệnh hiện nay, kích cầu tiêu dùng nội địa không chỉ giúp tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng mà còn là giải pháp tối ưu để hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 7,5-8% năm 2021 mà thành phố Hà Nội đã đề ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.