(HNM) - Tuần qua, lãnh đạo 12 ngân hàng thương mại lớn tại Hà Nội đã đồng thuận với chủ trương của Ngân hàng Nhà nước: Giảm lãi suất cho vay xuống còn khoảng 17-19% từ đầu tháng 9 tới.
Đây là một thông tin tốt lành cho nhiều doanh nghiệp. Bởi thực tế hầu hết doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp lớn ở nước ta vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn vốn ngân hàng. Họ chỉ có thể chịu đựng được mức lãi suất khoảng 18%/năm, nhưng đã phải vay với lãi suất 24 - 25%/năm và cũng rất khó khăn trong việc thu hút các nguồn vốn. Do vậy thời gian qua, khi Nhà nước có chính sách thắt chặt tiền tệ, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đã rơi vào cảnh sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, thậm chí có nguy cơ phá sản.
Lạm phát đang giảm dần và tính thanh khoản trong ngân hàng cũng đã được cải thiện sau thời gian dài khó khăn là những cơ sở để Ngân hàng Nhà nước tính đến việc giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp. Giảm lãi suất ở thời điểm này góp phần tạo động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn cũng có không ít vấn đề cần được đặt ra.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, nếu chỉ áp dụng mức lãi suất 17-19% cho một số đối tượng doanh nghiệp, thì thực chất cũng chỉ mới dừng ở "mệnh lệnh hành chính", chưa kéo được mặt bằng lãi suất cho vay chung xuống để tất cả doanh nghiệp cùng được hưởng lợi. Tuy nhiên, việc hạ mặt bằng lãi suất trong bối cảnh giá vàng vẫn đang có xu hướng tăng, lạm phát chưa xuống như kỳ vọng là vấn đề khó. Tăng lượng tiền cung ứng ra thị trường nếu không khéo sẽ gây ra không ít hệ lụy khi lạm phát hoàn toàn có thể tăng vào những tháng cuối năm. Dù là tín hiệu tốt lành với không ít doanh nghiệp nhưng việc giảm lãi suất như thỏa thuận của Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng thương mại cũng chỉ nên xem là một giải pháp tình thế.
Về lâu dài, nên bỏ dần các biện pháp hành chính, có thể quy định trần lãi suất cho vay thay vì trần lãi suất huy động, khi đó sẽ có căn cứ pháp lý để xử lý vi phạm. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng cần sử dụng nhiều hơn công cụ dự trữ bắt buộc để điều tiết thị trường tài chính, tiền tệ… Được biết, để hiện thực hóa việc hạ thấp mặt bằng lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước còn có một cuộc làm việc nữa với tất cả ngân hàng thương mại vào đầu tháng 9 tới. Khi đó, các chính sách hỗ trợ giảm lãi suất sẽ chính thức được công bố.
Có thể giảm lãi suất bền vững hay không còn phụ thuộc vào kết quả chống lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Phát biểu tại buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước chiều 25-8, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ để giảm sức ép lạm phát, giảm lãi suất dần theo diễn biến của mức giảm lạm phát. Như vậy, nhiệm vụ tiên quyết vẫn là thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ để giảm lạm phát. Làm được điều đó, lãi suất có thể xuống một cách tự nhiên, không phải theo ý muốn chủ quan hoặc các mệnh lệnh hành chính.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.