(HNM) - Đời sống nghệ thuật đang đặt ra nhiều vấn đề cần được giải mã và đề ra giải pháp thiết thực, khả thi. Trong nhiều năm qua, những câu hỏi xoay quanh vấn đề này đã được nêu ra trong công luận, không phải một mà là nhiều lần.
(HNM) - Đời sống nghệ thuật đang đặt ra nhiều vấn đề cần được giải mã và đề ra giải pháp thiết thực, khả thi. Trong nhiều năm qua, những câu hỏi xoay quanh vấn đề này đã được nêu ra trong công luận, không phải một mà là nhiều lần. Chẳng hạn như vì sao nghệ thuật truyền thống ngày càng tỏ ra lép vế trước nghệ thuật đương đại, vì sao nhiều loại hình nghệ thuật dân gian không thoát ra khỏi nguy cơ mai một? Tại sao lớp trẻ có thể hú hét, khóc lăn ra đất khi đón chào một số ban nhạc nước ngoài - cách ứng xử được cho là thái quá, như đã thấy trong thời gian qua? Vì sao mà một số tổ chức và cá nhân phải lăn lộn tìm kiếm nguồn tài trợ để thực hiện dự án đưa nghệ thuật đến gần với giới trẻ, dù một số môn nghệ thuật đã xuất hiện trong trường học phổ thông từ lâu?...
Có nhiều cách lý giải cho vấn đề nói trên, nhưng dù cho nguyên nhân đa dạng cỡ nào thì cũng không thể bỏ qua yếu tố giáo dục - điều liên quan đến những bộ môn nghệ thuật được giảng dạy trong nhà trường phổ thông hiện nay, và nhất là chất lượng giảng dạy những môn học đó. Đó là nguyên nhân căn bản, bởi việc trang bị kiến thức cơ bản có thể giúp tăng cường năng lực cảm thụ nghệ thuật, hình thành tình yêu và lòng đam mê, khả năng tiếp cận cái mới có chọn lọc.
Tuy nhiên, việc giảng dạy kiến thức một số môn nghệ thuật trong nhà trường phổ thông hiện nay, bao gồm âm nhạc và mỹ thuật, chưa đạt tới chất lượng cần thiết. Sự hạn chế về giáo trình, cách chọn lựa tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu để đưa vào giảng dạy, phương pháp giảng dạy và điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy - học còn có sự bất cập. Như với âm nhạc, ngoài hạn chế về giáo trình, rất ít trường có phòng học riêng cho bộ môn này, đa số thiếu nhạc cụ cơ bản và bởi vậy, học sinh thường phải “học chay”, khó hình thành đam mê và phát huy năng khiếu, khả năng sáng tạo.
Bởi vậy, nâng cao chất lượng giáo dục nghệ thuật trong trường học có ý nghĩa quan trọng, phù hợp với chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, là cách thức hiệu quả để hình thành kỹ năng, khả năng hòa nhập một cách chủ động đối với môi trường nghệ thuật của giới trẻ. Đó cũng là cách để tạo nguồn khán giả cho nghệ thuật, bao gồm nghệ thuật truyền thống, trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.