Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp thiết thực

Chí Kiên| 12/09/2020 06:11

(HNM) - Từ khi xảy ra đại dịch Covid-19 đến nay, ngành Ngân hàng đã chủ động đề ra các giải pháp tích cực, kịp thời nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn; góp phần thực hiện “mục tiêu kép”: Vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội. Đáng chú ý, chính sách có tính bao trùm, tác động lớn tới chương trình cho vay của các tổ chức tín dụng là từ đầu năm 2020 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành. Việc này đã tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại có thêm thanh khoản và thực thi được chính sách cho vay ưu đãi.

Về phía các ngân hàng thương mại cũng đã chủ động tiết kiệm chi phí, từ đó tăng thêm nguồn cung vốn và góp phần hạ mặt bằng lãi suất ở mức thấp nhất có thể. Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ và triển khai nhiều chương trình cho vay ưu đãi. Điểm chung của những chương trình này là đa dạng, linh hoạt, phù hợp với các nhóm khách hàng khác nhau.

Điều đáng mừng, từ nguồn vốn kịp thời với mặt bằng lãi suất hợp lý đã giúp nhiều doanh nghiệp đứng vững và phát triển, tạo việc làm ổn định cho người lao động. Đây cũng là tinh thần mà các doanh nghiệp mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành, sẻ chia hơn nữa để vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19.

Theo đó, ngành Ngân hàng cần tiếp tục đánh giá tổng thể và sử dụng hiệu quả, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để bảo đảm thanh khoản cho nền kinh tế và hệ thống ngân hàng, duy trì kiểm soát lạm phát, ổn định môi trường kinh doanh giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng đầy đủ, đa dạng sản phẩm dịch vụ tài chính, nhất là dịch vụ ngân hàng hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ số. Việc kết nối ngân hàng - doanh nghiệp cần được thúc đẩy để cùng thảo luận, chia sẻ, từ đó nhận diện khó khăn, vướng mắc và kịp thời có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn.

Ở góc độ các tổ chức tín dụng cần tiếp tục đổi mới, cải cách thủ tục cấp tín dụng và dịch vụ ngân hàng, đơn giản quy trình, rút ngắn thời gian thẩm định cho vay, bảo đảm an toàn nguồn vốn, kiểm soát chặt rủi ro, không làm phát sinh thêm nợ xấu. Một lưu ý nữa là cần hướng dòng vốn vào những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trọng điểm, có thế mạnh, ưu thế phát triển; lĩnh vực thiết yếu và phục vụ đời sống.

Các ngân hàng thương mại cũng đang đối mặt với khó khăn do dịch Covid-19. Do đó, bên cạnh nỗ lực tự thân, các ngân hàng cũng cần được hưởng những chính sách hỗ trợ. Bởi bản thân ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, ngân hàng “khỏe” thì doanh nghiệp và rộng hơn là nền kinh tế cũng “khỏe”.

Cùng với đó, sự phối hợp vào cuộc của chính quyền địa phương, cơ quan liên quan cũng rất quan trọng nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn, trong đó có vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, về xử lý tài sản bảo đảm...

Đối với các doanh nghiệp, yêu cầu cao nhất là phải sử dụng đồng vốn hiệu quả, đúng mục đích. Muốn vậy, các doanh nghiệp cần quan tâm đổi mới mô hình quản trị, tăng cường nhân lực chất lượng cao, ứng dụng khoa học công nghệ… Cùng với đó là minh bạch báo cáo tài chính, hoạt động sản xuất, kinh doanh… để đáp ứng điều kiện vay vốn. Làm tốt những việc này cũng là giải pháp thiết thực để doanh nghiệp phát triển, đồng thời “giúp” ngân hàng đạt hiệu quả kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp thiết thực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.