WhyPay có thể làm gì cho bạn?
|
Quản lý tài khoản thuê bao điện thoại - bài toán khó!
Trong thời gian gần đây thì những sự việc lừa đảo, gian lận trong việc trừ tiền trong Sim điện thoại của khách hàng đã thành một vấn nạn. Bản thân người tiêu dùng cũng rất khó kiểm soát số tiền của họ bởi lẽ chưa có một cơ chế nào cho phép chủ động giám sát chi tiết việc sử dụng tiền trong tài khoản điện thoại, cũng như thiếu thông tin cảnh báo mỗi khi điện thoại bị trừ cước.
Hồi tháng 7, báo Tuổi Trẻ đã từng đăng tải một câu chuyện điển hình khi ông Trần Liêm Cảnh (Hóc Môn, TP.HCM) cho biết ông bị nhà mạng Viettel trừ tiền 3.000 đồng/ngày trong khi ông không đăng ký dịch vụ gì cả. Ông Cảnh gọi đến tổng đài khiếu nại thì được trả lời “có thể có người nào khác lấy máy rồi tự đăng ký”. Thế nhưng đến khi ông Cảnh nhắn tin đăng ký hủy dịch vụ lại nhận được trả lời “chưa đăng ký dịch vụ”. Ông Cảnh cho rằng Viettel đã có chủ đích trừ tiền của khách hàng bởi chính tổng đài của họ đã công nhận thuê bao của ông chưa đăng ký dịch vụ!
|
Tương tự như vậy, nhà mạng Vinaphone lại tạo ra cách kích hoạt sử dụng dịch vụ tải game hành động khiến khách hàng dở khóc dở cười. Theo đại diện nhà mạng, đây là gói dịch vụ được Công ty cổ phần đầu tư ACOM cung cấp. Khi khách hàng cung cấp số điện thoại để đăng ký sử dụng dịch vụ lên các trang quảng cáo của ACOM, thông tin sẽ được gửi sang Vinaphone.
Tiếp theo nhà mạng sẽ gửi đến thuê bao tin nhắn: “Mã xác nhận đăng ký dịch vụ Acom_TaiGameHanhDong là: abcd. Giá cước 5.000 đồng/ngày”. Sau đó, nếu khách hàng nhập mã xác nhận này lên trang web của ACOM, Vinaphone sẽ kích hoạt sử dụng dịch vụ cho khách hàng và bắt đầu tính phí 5.000 đồng/ngày. Theo cách thức này, người dùng muốn sử dụng dịch vụ của Vinaphone phải đăng ký trên web, nhận tin nhắn có mã xác thực, nhập mã xác thực... Những bước đi rất cụ thể, có bằng chứng rõ ràng (tin nhắn có mã xác nhận, thời điểm nhập mã) và có vẻ đích thân người dùng phải kích hoạt thì mới có hiệu lực.
Thế nhưng, thực tế hoàn toàn có thể xảy ra giả thuyết Vinaphone và ACOM tự động thực hiện tất cả thao tác trên, người dùng chỉ nhận được tin nhắn và bị trừ tiền mà không biết tại sao!
Với mỗi khách hàng, số tiền thất thoát trung bình 5.000 đồng/ngày, nhưng nếu làm phép tính nhân lên hàng chục triệu thuê bao đang sử dụng dịch vụ của ba nhà mạng lớn nhất Việt Nam nêu trên, con số sẽ thật khủng khiếp.
WhyPay có thể làm gì cho bạn?
Về lý thuyết, Whypay là sản phẩm miễn phí do một nhóm lập trình viên trẻ thực hiện nhắm tới việc giúp người dùng giám sát tài khoản điện thoại theo phương thức giống như tài khoản ngân hàng. Nhờ thế, bạn có thể chủ động cân đối việc sử dụng máy cũng như yêu cầu nhà mạng giải quyết những khoản trừ không có ý kiến khách hàng.
WhyPay có thể tạo ra các bản báo cáo chi tiết số tiền bị trừ từ tài khoản của người dùng. |
Theo nhà phát triển ứng dụng này, WhyPay có những tính năng cơ bản sau đây:
+ Hiển thị tiền cước ngay khi cuộc gọi vừa kết thúc.
+ Quản lý cho biết bạn đang dùng gói cước nào, mức phí khi gọi nội ngoại mạng.
+ Quản lý tiền khi nạp vào sim (nói cách khác dịch vụ này sẽ giải đáp mọi thắc mắc “Sao nhanh hết tiền thế?").
+ Kiểm tra các dịch vụ đang bị trừ tiền: chỉ một thao tác biết bạn đang bị trừ tiền ở dịch vụ nào của nhà mạng (gói 3G, các gói dịch vụ…).
+ Tích hợp cơ chế gọi điện và gửi tin khi sim ko còn tiền (hoặc nhắn nhờ bạn bè gọi lại).
+ Thông báo các gói khuyến mãi từ nhà mạng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.