Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp nửa vời, tham nhũng sẽ ngày càng nguy hiểm

Cù Xuân Trường| 27/10/2014 05:48

(HNM) - Trong khi vấn đề tham nhũng và phòng, chống tham nhũng "đốt nóng" dư luận thì cơ quan chức năng lại đưa ra những con số giật mình: Năm 2013, trong số 944.000 trường hợp đã kê khai tài sản thu nhập, có 5 người phải xác minh, 1 người bị xử lý kỷ luật (hình thức cảnh cáo) do kê khai không trung thực.

Rồi năm 2014, có 32 trường hợp nộp lại quà tặng, riêng Bộ Tài chính có 12 người nộp với tổng số tiền 118 triệu đồng... Không ít người tỏ ý ngờ vực về tính chính xác của những con số nêu trên. Có người đặt câu hỏi: Người có trách nhiệm nghĩ thế nào về những con số số mà họ đưa ra? Những người từng khẳng định quan tham "ăn của dân không từ cái gì" sẽ phản ứng thế nào khi tiếp nhận những thông tin này? Cũng có người chắc như đinh đóng cột: Không ai tin những con số "đẹp" như vậy!

Trước hết có thể khẳng định, đây không phải là những con số "từ trên trời rơi xuống", bởi nó được đưa ra từ cấp có thẩm quyền. Và đương nhiên người ta không thể căn cứ vào những phép tính mơ hồ để đưa ra các con số như vậy. Như mọi người đã biết, mỗi con số đều có thể kể được một câu chuyện và thậm chí ở mỗi điểm nhìn là một câu chuyện khác nhau. Vấn đề là xem xét những con số đó như thế nào?

Một người bị xử lý kỷ luật trong tổng số 944.000 người phải kê khai tài sản thu nhập (được nêu trong báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014 tại phiên họp toàn thể lần thứ 14 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) nói lên điều gì? Phải chăng trong số gần một triệu cán bộ, công chức thuộc diện nêu trên chỉ có một người không trung thực? Hay con số này không thể coi là trung thực, không phản ánh đúng sự thật? Rõ ràng những hoài nghi về tính xác thực của những con số được báo cáo là có cơ sở. Vì sao? Vì mọi người đều hiểu trong số cán bộ, công chức thuộc diện phải kê khai có rất nhiều người liêm khiết, đương nhiên họ kê khai tài sản đúng với những gì đang có. Thế nhưng, chỉ một người không trung thực trong diện phải kê khai là một con số không ai tin được, nói cách khác tỷ lệ một trên gần một triệu ấy không tồn tại trong thực tế.

Vậy, phía sau những con số "không tưởng" như cách nghĩ của nhiều người ấy là gì? Trước hết, mọi người đều biết kê khai tài sản là một trong những giải pháp cần thiết trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Và cũng không phải là chuyện riêng có của Việt Nam. Nhiều nước trên thế giới đã đưa ra khung hình phạt rất nặng với những quan chức man trá trong kê khai tài sản nhưng việc "đo" lòng trung thực và xử lý sai phạm cũng hết sức khó khăn. Bởi lẽ, lòng tham luôn ẩn chứa trong mỗi con người và như người xưa nói: Chẳng ai "lạy ông tôi ở bụi này". Tâm lý chung là vậy nên khi kê khai tài sản, ai đó có "kê" ít đi cũng là dễ hiểu. Nhưng có một thực tế là những người có thể tham nhũng (những người có quyền lực) thường không đứng ra trực tiếp nhận hối lộ hoặc đứng tên những tài sản có được từ hành vi tham nhũng mà họ thông qua các "dây mơ rễ má" nên tài sản được núp danh của hương hỏa ông bà, của vợ con, họ hàng, anh em... Họ không có tài sản (không đứng tên tài sản) đương nhiên không phải kê khai.

Điều đáng nói là chuyện kê khai tài sản cán bộ, công chức đã có từ rất lâu và không phải bây giờ mới gây bức xúc trong dư luận, nhưng kê khai tài sản không gắn với công khai, không truy nguyên nguồn gốc tài sản. Kê khai nội bộ, "kê" thế nào thì biết thế đó, "kê" rồi để đấy nên mới có những con số như đã nêu trên. Từ đó có thể thấy: Nếu Nhà nước không đưa ra được những biện pháp mạnh mẽ hơn, buộc cán bộ có chức, có quyền phải kê khai tài sản một cách nghiêm túc, chắc chắn những con số rất "đẹp lộng lẫy" như vậy vẫn có đất để tồn tại. Nhà nước cũng không thể dựa vào việc kê khai tài sản để phát hiện tham nhũng, tiêu cực, những người làm giàu không chính đáng... Còn người dân sẽ mất dần niềm tin vào đội ngũ "công bộc".

Một con số khác cũng rất đáng quan tâm, theo báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh tại Quốc hội: Năm 2014, có 32 trường hợp nộp lại quà tặng. Riêng Bộ Tài chính có 12 người nộp quà tặng với tổng số tiền 118 triệu đồng... (là bộ và cơ quan ngang bộ duy nhất có tên trong danh sách này). Con số đó có thể hiểu như thế nào? Một năm chỉ có 32 người nộp lại quà tặng có phản ánh đúng tình trạng "tặng quà" đã trở thành vấn nạn mà mỗi dịp Xuân về, Tết đến Ban Bí thư đều phải "nhắc nhở" hay không? Nếu chỉ Bộ Tài chính có tên trong danh sách, vậy ở các bộ, ban, ngành khác có việc nhận quà, tặng quà không? Nếu so con số 32 người nộp lại quà tặng của năm 2014 với con số 364 của năm 2013, có thể khẳng định vấn nạn "tặng quà" đã bị đẩy lùi không? Và con số này có mâu thuẫn với nhận định: Tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp?

Những món quà tặng chân tình, trong sáng - một biểu hiện văn hóa của người Việt - đã, đang trở thành món hàng được trao đi, đổi lại. Người đưa hối lộ "núp bóng" tặng quà để mua quyền lợi. Người có quyền lực nhận quà để làm ngơ trước những hành vi trái pháp luật, hoặc ưu ái với người tặng quà. Giá trị những món quà tặng ngày càng lớn cùng với chuyện ăn chia, chuyện chạy chức, chạy quyền... Thậm chí có người còn định giá ngầm cho các kiểu quà với từng "đẳng cấp". Thừa nhận nạn tặng quà đang làm băng hoại đạo đức xã hội, nhưng cơ quan có trách nhiệm cũng thừa nhận: Rất khó làm rõ đâu là những món quà ấm áp tình cảm, đạo lý và đâu là những món hàng trao đổi, bán mua bởi nó lẫn vào nét văn hóa đẹp đã ăn sâu vào đời sống thường nhật của người Việt Nam - văn hóa tặng quà.

Dù Nhà nước đã có quy định cụ thể về việc tặng quà, nhận quà tặng và nộp lại quà tặng (Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), nhưng nếu quy định "đóng" trên bàn giấy thì những cán bộ liêm khiết có lòng tự trọng và ý thức tuân thủ quy định pháp luật thực hiện mà thôi. Thực tế đã có vị lãnh đạo nộp lại cho Nhà nước hàng tỷ đồng (cả tiền và quà tặng), có điều, những người như vậy không nhiều. Người tặng quà và người nhận quà tặng hiểu hơn ai hết món quà đó hàm chứa điều gì, nhưng như các cụ vẫn nói "đồng tiền đi liền khúc ruột", đã nhận quà rồi lại mang đi nộp là chuyện không dễ với bất kỳ ai. Con số 32 người nộp lại quà tặng trong năm 2014 phần nào cho thấy điều đó. Như vậy, nếu Nhà nước không xử lý nghiêm việc nhận quà tặng có giá trị lớn, không quyết liệt với vấn nạn "tặng quà" và không có phương thức giám sát chặt chẽ hành vi nhận quà của những người có chức, có quyền thì việc thực hiện quy chế tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng vẫn chỉ mang tính hình thức.

Hai câu chuyện nêu trên cho thấy các con số đều "biết nói". Phía sau những con số rất "đẹp" ấy không chỉ là mâu thuẫn giữa những bản báo cáo với nhận định của cơ quan chức năng và toàn xã hội về nạn tham nhũng, mà còn phản ánh một thực tế bức xúc là không ít cán bộ có chức, có quyền đã, đang thực hiện quy định của Nhà nước về kê khai tài sản, về tặng quà, nhận quà tặng và nộp lại quà tặng một cách hết sức hình thức. Trong khi đó, các cơ quan có thẩm quyền chưa đưa ra được những giải pháp đủ mạnh để buộc họ phải thực hiện đúng quy định, chưa có chế tài để giám sát tài sản của những "công bộc" của nhân dân ở trong nước, cũng như ở nước ngoài... Hệ lụy của một cách làm mang tính hình thức, theo kiểu nửa vời như thế nào có lẽ không phải bàn thêm!

Cũng từ hai câu chuyện nêu trên có thể thấy việc bắt buộc cán bộ, công chức (trong diện quy định) kê khai tài sản và nộp lại quà tặng là những giải pháp cần thiết trong hàng loạt giải pháp phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào quy định "suông" và những đòi hỏi về nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ... không thể khiến những người có chức, có quyền tự giác kê khai tài sản và nộp lại quà tặng.

Trong một cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội Hà Nội mới đây, một cử tri thẳng thắn phát biểu: Trước đây chỉ là những con sâu đơn lẻ đục khoét xã hội, giờ là những con sâu đầy quyền lực, liên kết thành những nhóm lợi ích, thành những vòi bạch tuộc trong chính các cơ quan công quyền, khiến người lương thiện e ngại... Một vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước cũng từng thừa nhận một thực tế là: Cái gì cũng phải tiền, không tiền, không trôi... Tham nhũng đã trở thành một thứ ung thư di căn trong lòng xã hội, hủy hoại chế độ, hủy hoại đất nước. Nếu không có các giải pháp đủ mạnh và nếu không thực hiện nghiêm các giải pháp ấy, những khối u di căn sẽ biến hình và ngày càng nguy hiểm hơn.

Quyết tâm chính trị phải được chuyển thành những giải pháp quyết liệt và việc làm cụ thể, nghiêm túc mới hy vọng đẩy lùi được quốc nạn tham nhũng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp nửa vời, tham nhũng sẽ ngày càng nguy hiểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.