Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp nào cứu đường nghìn tỷ bị lún?

Hà Tuấn| 27/06/2014 06:38

(HNM) - Trước sự cố đoạn đường Mai Chí Thọ và Đồng Văn Cống (khu vực quận 2, thuộc Đại lộ Võ Văn Kiệt) dù nhiều lần được khắc phục nhưng lún vẫn hoàn lún, các nhà khoa học đã vào cuộc.


Bê tông nhựa chưa đạt chuẩn


PGS.TS Nguyễn Văn Hùng (Trường ĐH GTVT TP Hồ Chí Minh, thành viên tổ nghiên cứu sự cố lún trên tuyến Mai Chí Thọ và Đồng Văn Cống), cho biết: Ở những tuyến đường này, trị số lún bánh xe tăng từ 1,5 đến 2 lần so với đường bình thường. Nguyên nhân là kết cấu mặt đường bê tông nhựa vận hành trong môi trường nhiệt độ cao, mật độ giao thông lớn khiến các lớp bê tông nhựa biến dạng và gây ra các vết lún hằn bánh xe. Chưa kể, việc tổ chức giao thông trên các tuyến đường cũng chưa hợp lý khi các lái xe chỉ đi trên một làn đường. "Dù cho đơn vị thi công liên tục thay kết cấu mặt đường mỗi khi lún nhưng vẫn không khả quan là do chất lượng nhựa mặt đường", ông Hùng nói. 

Đường nghìn tỷ bị lún do bê tông nhựa chưa đạt chuẩn.


Cụ thể hơn, theo phân tích của ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Cầu, đường, cảng TP Hồ Chí Minh, sự cố lún đường chỉ một phần còn do lượng xe tải nặng nhiều gấp đôi so với dự báo (hiện tuyến đường Mai Chí Thọ và Đồng Văn Cống có khoảng 22.000 lượt xe/ngày đêm ra vào cảng Cát Lái, trong khi dự báo chỉ dự báo để hình thành dự án khoảng 10.000 lượt xe/ngày đêm). Nguyên nhân chính khiến đường lún là hàm lượng polymer trong kết cấu lớp bê tông nhựa thiếu, từ đó làm cho chất lượng các lớp bê tông này không bền, thiếu độ cứng và đàn hồi nên gây ra trồi sụt, lún mặt đường. "Yếu tố không thể bỏ qua là quá trình giám sát thi công những công trình này quá lơi lỏng, dẫn đến chất lượng đường kém", ông Trường nêu rõ.

Tương tự, PGS.TS Lê Văn Bách, Trưởng bộ môn Đường bộ cơ sở II (Trường ĐH GTVT TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, hiện tượng bị lún vệt hằn bánh xe khi các xe tải trọng nặng chạy qua do lớp móng trên làm bằng cấp phối đá dăm (loại vật liệu hở, không đủ sức chịu tải với những xe có tải trọng lớn), dẫn đến lớp bê tông nhựa phía trên bị lún tại vệt bánh xe, độ bằng phẳng của mặt đường không bảo đảm.

Giải pháp nhiều, nan giải vốn

Làm sao để cứu đường nghìn tỷ? Ông Hà Ngọc Trường cho rằng, cần tăng cường hàm lượng polymer trong các cấu kết bê tông nhựa để bảo đảm độ bền cho tuyến đường. Song song đó, cần tiến hành rải các lớp bê tông nhựa đạt chất lượng này theo từng đoạn đường phù hợp với kết cấu toàn bộ nền đường và lưu lượng xe qua lại. Tuy khi đưa vào sử dụng chi phí sẽ cao hơn lớp bê tông nhựa bình thường nhưng lại chống lún triệt để. Cũng theo ông Trường, cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh cần cho các xe tải đi trên nhiều làn đường (thay vì cứ đi trên một làn đường như hiện nay), đồng thời mở rộng mặt đường để giảm tải.

Còn theo PGS.TS Lê Văn Bách, Trưởng bộ môn Đường bộ (ĐH GTVT TP Hồ Chí Minh), một trong những giải pháp khắc phục là sử dụng lưới sợi thủy tinh và lưới sợi cacbon (vật liệu có độ bền cao, chứa ít nhất 90% nguyên tử cacbon) để tăng khả năng chịu lực của các lớp bê tông nhựa. Sử dụng hai loại vật liệu này còn có thể khắc phục được hiện tượng lún vệt hằn bánh xe của mặt đường bê tông nhựa mà một số tuyến đường hiện nay gặp phải.

Tương tự, Hội Cầu, đường, cảng thành phố cho biết, đặc điểm các tuyến đường trên có nhiều xe tải nặng di chuyển nên điều kiện nhiệt độ của lớp bê tông nhựa có thể lên tới 70-72 độ C. Do đó, nên sử dụng nhựa đường có tính ổn định nhiệt độ cao (nhựa đường polymer) để chế tạo bê tông nhựa polymer làm mặt đường nhằm khắc phục hiện tượng biến dạng lún vệt bánh xe, trồi nhựa, lượn sóng trên mặt đường. Bên cạnh đó, đơn vị thi công cần lưu ý bảo đảm chất lượng nền đường, móng đường và kết cấu bê tông nhựa phù hợp với thiết kế được duyệt.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đánh giá cao về giải pháp tăng hàm lượng polymer trong lớp bê tông nhựa. Tuy nhiên, hiện vật liệu này có giá thành rất cao…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp nào cứu đường nghìn tỷ bị lún?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.