(HNMO)- Ngày 31-5 tại Hà Nội, Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội thảo “Giải pháp đẩy mạnh công tác phát hành – phổ biến phim tại rạp của trung tâm phát hành phim và chiếu bóng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”. Hàng loạt công ty phát hành, trung tâm chiếu bóng (Trung tâm PHP&CB) “cầu cứu” Cục Điện ảnh, Bộ VHTTDL có biện pháp tháo gỡ khó khăn của các địa phương.
Bà Ngô Phương Lan và Thứ trưởng Vương Duy Biên chủ trì hội thảo. |
Công tác phát hành - phổ biến phim chiếm một nửa hoạt động điện ảnh, có vai trò quan trọng trong đời sống giải trí của xã hội, có tác dụng lớn trong việc định hướng giáo dục chính trị, tư tưởng và thẩm mỹ cho công chúng, nâng cao đời sống văn hóa cho người dân ở khắp mọi miền đất nước.
Phát biểu tại hội thảo, bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho hay mấy năm qua hoạt động phát hành phim có bước phát triển mạnh mẽ, danh sách các phim đạt doanh thu 60 tỉ, thậm chí trên dưới trăm tỉ đồng được nối dài, trong đó có không ít phim Việt. Hệ thống rạp chiếu phim đạt tiêu chuẩn cũng phát triển với tốc độ cao, cuối năm 2015 cả nước có 138 rạp với 510 phòng chiếu, số lượt khán giả xem phim năm 2015 tăng khoảng 15% so với năm 2014. Bà Ngô Phương Lan cũng thống kê năm 2015, số phim chiếu rạp của Việt Nam là 41, phim nước ngoài nhập khẩu là 199, tỉ lệ phim Việt Nam so với nước ngoài là 20%. Ở hệ thống rạp do Nhà nước quản lý, số buổi chiếu phim Việt Nam chiếm tỉ lệ 67%, người xem phim Việt Nam 61%. Tại hệ thống rạp công ty nước ngoài, liên doanh và tư nhân, buổi chiếu phim Việt Nam là 34%, người xem phim Việt Nam chiếm tỉ lệ 47,5%.
Tuy nhiên, đó là những dấu hiệu khởi sắc của phát hành phim ở các thành phố lớn, còn với các tỉnh thì bức tranh lại mang màu ảm đạm. Ba khó khăn lớn nhất của phát hành – phổ biến phim ở các tỉnh, thành là tình trạng rạp xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu, không phù hợp và thiếu nguồn phim.
Mặc dù, Cục Điện ảnh rất nỗ lực để cung cấp nguồn phim cho các Trung tâm PHP&CB thuộc các tỉnh, thành gồm các phim Việt Nam sản xuất, phim đặt hàng, phim phục vụ đồng bào dân tộc miền núi, biên giới, hải đảo... và đây là nguồn phim quan trọng của nhiều địa phương nhưng vẫn không đảm bảo được nguồn phim cho các Trung tâm. Bên cạnh đó, tình trạng báo động là rạp ở một số địa phương đã bị thu hồi hoặc có nguy cơ bị thu hồi để sử dụng vào mục đích khác.
Hiện nay, cả nước có 64 Trung tâm (Công ty) Phát hành phim và chiếu bóng (PHP&CB), trong đó: 49 Trung tâm PHP&CB; 4 Công ty Cổ phần hóa; 11 Trung tâm PHP&CB đã sáp nhập với Trung tâm Văn hóa. Như vậy, mô hình rất khác nhau, tùy thuộc vào hoàn cảnh địa phương.
Về hệ thống rạp chiếu phim, cả nước, hiện có 3 hệ thống rạp chiếu phim đang hoạt động. Hệ thống rạp chiếu phim của các Trung tâm PHP&CB do nhà nước quản lý: 58 rạp đang hoạt động với 103 phòng chiếu; 10 rạp không hoạt động; 25 rạp đã chuyển đổi mục đích sử dụng; 18 Trung tâm PHP&CB không có rạp chiếu phim. Hệ thống rạp chiếu phim của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam: 34 rạp, 138 phòng chiếu. Hệ thống rạp chiếu phim của các liên doanh với nước ngoài: 46 rạp (CJ CGV - Hàn Quốc 30 rạp; Lotte-Hàn Quốc: 16 rạp); 269 phòng chiếu (CJ CGV- Hàn Quốc: 196 phòng chiếu; Lotte- Hàn Quốc: 73 phòng chiếu).
Về nguồn phim và tỉ lệ chiếu phim Việt Nam: Số liệu thống kê năm 2015 về phim chiếu rạp như sau: Phim truyện Việt Nam sản xuất: 41; Phim truyện nước ngoài nhập khẩu: 199 (đều do các công ty tư nhân công ty cổ phần, công ty liên doanh nắm giữ và điều tiết hoạt động phát hành - phổ biến phim tại rạp); Tỷ lệ số phim Việt Nam so với phim nước ngoài là 20,06%; Hệ thống rạp do Nhà nước quản lý: buổi chiếu phim VN chiếm tỷ lệ 67,63%; Người xem phim Việt Nam chiếm tỷ lệ 61,9%. Hệ thống rạp của công ty nước ngoài, liên doanh và tư nhân: Buổi chiếu phim Việt Nam chiếm tỷ lệ 34,8%; Người xem phim Việt Nam chiếm tỷ lệ 47,5%. Sự khập khiễng cho thấy nếu hệ thống rạp của NN quản lý nhiều hơn, được trang bị tốt hơn thì người xem phim Việt sẽ cao hơn nhiều.
Điều đáng buồn là, tại hệ thống rạp của các Trung tâm (Công ty) PHP&CB, TP hầu như chưa được trang bị hệ thống máy chiếu Kỹ thuật số chuẩn 2K nên các bộ phim Việt Nam sản xuất và phim nước ngoài nhập khẩu theo công nghệ mới không tương thích nên không thể chiếu phim. Hiện nay, hệ thống rạp của các Trung tâm (Công ty) PHP&CB các tỉnh, TP chủ yếu là chiếu phim Việt Nam do nhà nước đặt hàng, tài trợ thông qua hệ thống máy chiếu HD và do đơn vị tự khai thác.
Tại hội thảo, giám đốc các trung tâm (công ty) phát hành phim và chiếu bóng đồng loạt đề nghị Cục Điện ảnh, Bộ VHTTDL có biện pháp “cứu” tình trạng khó khăn của các địa phương. Bà Ngô Phương Lan nhấn mạnh, hai cuộc hội thảo được tổ chức tại Hà Nội và TPHCM (ngày 2-6) được kỳ vọng sẽ tìm ra các giải pháp về quản lý nhà nước, cơ chế chính sách, cơ sở vật chất trang thiết bị chiếu phim cũng như về nguồn phim.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.