(HNM) - Đầu năm 2011, Báo Hànộimới đã phản ánh tình trạng nhiều ngôi biệt thự trị giá hàng tỷ đồng bị bỏ hoang, gây lãng phí, mất mỹ quan và làm phát sinh nhiều TNXH. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo UBND thành phố kiểm tra, báo cáo Thủ tướng trước ngày 15-2-2011. Vấn đề này nhận được sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là những người thực sự có nhu cầu nhà ở, nhưng đành "bó tay" khi giá nhà đất luôn cao ngất ngưởng.
Bà Nguyễn Thu Hiền (KĐT Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai): Vừa lãng phí vừa ô nhiễm
KĐT kiểu mẫu Linh Đàm đã được triển khai cả chục năm nay nhưng đếm sơ sơ cũng có trên 40 ngôi biệt thự bị biến thành nơi đổ rác, phế liệu xây dựng, thành nơi sinh sống của chuột bọ, ruồi muỗi và là bãi đáp của những đối tượng trộm cắp, nghiện hút. Bản thân tôi mỗi lần đi qua những khu này đều có cảm giác không an toàn vì khung cảnh quá vắng vẻ do ít người sinh sống, cộng với lối thiết kế liền sát nhau, tương đồng về chiều cao, hình dáng khiến khu vực này trở nên âm u. Điều đáng bàn nữa là hầu hết các ngôi biệt thự này đều ở những vị trí đắc địa, thường là hai mặt tiền, nơi mỗi mét vuông chắc chắn không dưới 150 triệu đồng. Sự tồn tại của chúng không chỉ bôi bẩn bộ mặt khang trang của KĐT mới mà còn làm lãng phí đất đai, tạo điều kiện cho TNXH phát triển, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân khu vực.
Ông Trần Văn Long (phường Hàng Bột, quận Đống Đa): Phải chống đầu cơ đất đai
Không phải đơn giản người ta lại để "chết" hàng chục tỷ đồng trong mỗi căn biệt thự như vậy. Thực tế thị trường hiện nay, ai cũng hiểu rằng không đầu tư gì lãi bằng đầu tư bất động sản (BĐS). Tâm lý này đến nay vẫn tồn tại trong số đông dân cư. Và vì không có biện pháp chống đầu cơ đất đai một cách thật sự hiệu quả, nên tôi không thấy ai "sợ" khi sở hữu quá nhiều đất đai. Một số chuyên gia đã từng nhận định, tỷ lệ mua nhà đất thực sự có nhu cầu để ở tại Hà Nội hiện chỉ chiếm hơn 20% giao dịch BĐS. Số người có nhiều tỷ đồng nhảy vào mua nhà đất chờ tăng giá để kiếm lời rất lớn. Đây chính là lực lượng chủ yếu làm khuynh đảo thị trường BĐS thời gian qua. Tôi thực sự không hiểu tại sao giá đất không chỉ trong các khu đô thị, mà ngay cả ở những nơi mới mở rộng địa giới hành chính của Hà Nội lại cao ngất ngưởng như vậy. Điều này chỉ có thể lý giải rằng đó là hậu quả của nạn đầu cơ mà nhiều nơi, người đầu tư đã cấu kết với "cò đất" để tung nhiều thủ đoạn đẩy giá đất cao chót vót nhằm thu lợi.
Ông Nguyễn Toàn Thắng (xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm): Làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo
Phần lớn những căn biệt thự để hoang là của người nhiều tiền. Họ mua nhưng chưa có nhu cầu ở hoặc mua để dành cho con cái, có thể mua để tích lũy tài sản, mua để chờ giá nhà đất tăng rồi bán lại giá cao hơn hoặc cũng có thể là để "rửa tiền". Việc quy hoạch chưa hợp lý những biệt thự tiền tỷ ở các khu đô thị mới rõ ràng chỉ chiều lòng một số người giàu, dẫn đến việc sử dụng đất đai một cách lãng phí. Họ toàn quyền trong việc định đoạt tài sản của mình nên không thể can thiệp hay nhắc nhở. Rõ ràng, tình trạng bỏ hoang quá nhiều đất đai sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường BĐS, đặc biệt giá nhà ở luôn ở thế ngất ngưởng, từ đó tạo khoảng cách về nhà ở. Theo tôi, Nhà nước cần có những chế tài cụ thể để khắc phục tình trạng này, ví dụ như nhà xây phải có thời hạn hoàn thành. Sau một thời gian theo luật định, chủ hộ không hoàn thiện, đưa vào sử dụng sẽ bị trưng mua lại với giá rẻ, rồi bán cho người khác có nhu cầu. Bên cạnh đó, cấp có thẩm quyền nên có định hướng phát triển nhà ở cho phù hợp, đầu tư vào chung cư phục vụ đa số người có thu nhập thấp, hạn chế những nhà cao cấp như biệt thự.
Bà Hoàng Thùy Vân (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy): Nên áp dụng chính sách thuế lũy tiến
Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết các cơ quan chức năng đã đề xuất trong dự thảo chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 là cần điều chỉnh tăng thuế nhà đất nhằm khuyến khích sử dụng có hiệu quả BĐS và hạn chế đầu cơ. Theo đó, đánh thuế lũy tiến đối với trường hợp sử dụng nhiều nhà ở, đất ở hoặc sở hữu nhà với quy mô lớn. Quy định áp mức thuế thu nhập cá nhân cao hơn, nếu cá nhân đó mua bán nhà trong thời gian ngắn từ 1-2 năm. Theo tôi, đây là cách làm chắc chắn mang lại hiệu quả, hạn chế được nạn đầu cơ BĐS đang tràn lan như hiện nay. Đó cũng là cách nhiều nước trên thế giới đã áp dụng hoặc một cách khác mà Trung Quốc đã thực hiện năm 2010 vừa qua, quy định giới hạn mỗi hộ gia đình chỉ được mua một căn hộ mới, tăng lãi suất vay ngân hàng khi mua căn thứ hai…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.