Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp hỗ trợ vẫn nằm trên giấy

Duy Biên| 15/08/2012 07:36

(HNM) - TP Hồ Chí Minh hiện có hơn 37 nghìn doanh nghiệp (DN) với khoảng 800 nghìn công nhân, trong đó 30% đang làm việc trong các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), phần lớn phải tự túc chỗ ở.


Thiếu nhà lưu trú, công nhân phải ra ngoài ở trọ. Ảnh: Đặng Loan

Nằm sát KCN Linh Trung 2 là dãy nhà trọ dành cho công nhân của gia đình bà Bùi Thị Hạnh ở quận Thủ Đức. Giá rẻ lại được bà chủ chấp nhận thiếu tiền nhà... nên nhiều công nhân tìm đến thuê. Những căn phòng chỉ khoảng hơn 10m2, chen chúc 4 - 5 người và một góc nhỏ xíu dành làm nhà bếp, đồ đạc trong phòng hầu như không có. Công nhân Nguyễn Minh Anh quê ở tỉnh Nam Định thở dài nói với chúng tôi: "Cả ngày đi làm, buổi tối bọn em chỉ cần có chỗ ngả lưng. Trong KCN cũng có nhà lưu trú cho công nhân, nhưng ít phòng quá nên không thể vào đó ở. Nếu không phải ra ngoài thế này, bọn em cũng tiết kiệm được vài trăm nghìn đồng tiền thuê nhà mà lại tiện đi làm".

Theo thống kê của Ban Quản lý các KCX và KCN (Hepza), trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện có 17 dự án đăng ký đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân với tổng diện tích sàn xây dựng xấp xỉ 227.000m2, dự kiến đáp ứng trên 21.000 chỗ ở lưu trú. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, 5 dự án vẫn chưa triển khai, 4 dự án đã hoàn thành một phần, đang và sẽ đưa vào sử dụng trong năm 2012 và 3 dự án phải tạm ngưng chờ vốn. Đó là những dự án nhà lưu trú cho công nhân nằm trong các KCX, KCN.

Trên thực tế, do quỹ đất dành cho xây nhà lưu trú công nhân trên địa bàn TP ngày càng thu hẹp nên nhiều DN đã thuê và tự tìm kiếm quỹ đất ngoài KCN, KCX để xây nhà ở công nhân, nhưng lại gặp khó khăn về vốn, thủ tục hành chính và chưa có những hỗ trợ thiết thực nên tiến độ triển khai các dự án này rất chậm. Chẳng hạn, khu nhà lưu trú công nhân tại KCN Tân Tạo, KCN Tân Bình, KCX Linh Trung 2, KCN Vĩnh Lộc… của các DN đều khó huy động vốn, vướng quy hoạch, đền bù và giải phóng mặt bằng. Mặt khác, nhà ở công nhân chỉ được phép cho thuê, lưu trú, không cho mua bán, thay đổi mục đích kinh doanh… nên khả năng thu hồi vốn chậm, tối thiểu là 20 năm. Trong khi đó, thời hạn vay tối đa đối với những dự án này thường từ 7 đến 10 năm, nhưng để chứng minh với ngân hàng về thời gian thu hồi vốn và tính khả thi của dự án không đơn giản.

Ông Nguyễn Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, 3 năm trở lại đây, dù DN đã chú trọng hơn đến mô hình đầu tư này nhưng kết quả xây dựng nhà ở cho công nhân vẫn rất khiêm tốn. Trước thực trạng đó, Sở Xây dựng đã đề xuất với các cơ quan chức năng xem xét, có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, đồng thời đẩy nhanh chương trình phát triển nhà lưu trú công nhân như: thay đổi thời gian tối thiểu thu hồi vốn tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận các nguồn vốn dài hạn từ 15 đến 20 năm, xây dựng cơ chế cho vay đối với đất và tài sản gắn liền với đất khi xây dựng, tạo cơ chế cho mua nhà trả góp đối với những công nhân có thành tích hoặc làm việc lâu năm có điều kiện sống ổn định và lâu dài, giúp DN phát triển bền vững… Thế nhưng, đến thời điểm này, những đề xuất đó vẫn chưa nhận được phản hồi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp hỗ trợ vẫn nằm trên giấy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.