(HNM) - Các nước phát triển hiện đã xây dựng những quy định pháp lý cụ thể về quản lý chữ ký số, giúp cho việc xác thực định danh điện tử được an toàn. Điều này tạo điều kiện cho không chỉ các cơ quan nhà nước mà cả các cá nhân, doanh nghiệp được thuận tiện hơn khi cung cấp và thực hiện các giao dịch công, giao dịch thương mại điện tử, từ đó thúc đẩy nhanh hơn quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Hội thảo trực tuyến với chủ đề "Chữ ký số - Công dân số - Chìa khóa thành công" do Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) tổ chức mới đây, các diễn giả đã chia sẻ về kinh nghiệm triển khai chữ ký số, cơ sở pháp lý chữ ký số trên thế giới và tại Việt Nam... Theo Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan, để người dân dễ tiếp cận hơn nữa với các giải pháp định danh số nói chung, trong đó có chữ ký số nói riêng, trước hết, chúng ta phải tuân thủ nguyên tắc lấy người dùng làm trung tâm.
Về các giải pháp công nghệ chữ ký số, Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Thiện Nghĩa cho biết, hình thức ký số từ xa (SmartCA) đã được triển khai trên thế giới được 1-2 năm nay. Nhiều đơn vị đã gửi hồ sơ tới Bộ Thông tin và Truyền thông để được cấp phép cung cấp dịch vụ này cho thấy chúng ta đang đi cùng xu hướng trên thế giới. Chữ ký số từ xa là giải pháp bảo đảm an toàn tương đương chữ ký số USB token, nếu được kích hoạt trên điện thoại di động thì mức độ tiện dụng sẽ hơn USB token rất nhiều.
Là một trong những đơn vị tiên phong cung cấp dịch vụ chữ ký số tại Việt Nam, từ năm 2009, Tập đoàn VNPT là đơn vị đầu tiên cung cấp giải pháp chữ ký số trên thị trường. VNPT cũng là doanh nghiệp đầu tiên được cấp phép lần thứ 3 cung cấp dịch vụ Chứng thực chữ ký số công cộng VNPT-CA theo Nghị định số 130/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Nhằm tiếp tục triển khai và cung cấp ra thị trường những ứng dụng chữ ký số, VNPT đã gửi hồ sơ xin cấp phép giải pháp SmartCA lên Bộ Thông tin và Truyền thông.
Dịch vụ SmartCA khi được cấp phép sẽ đem lại những lợi ích cho người dùng như ký được đa nền tảng, giá cả phù hợp cho người dân, có thể thực hiện tốc độ ký nhanh, nhiều trong một thời điểm. Giải pháp có thể phục vụ nhiều lĩnh vực, đặc biệt giữa pháp nhân và thể nhân như các công ty về logistics, thương mại điện tử, hay công ty về thanh toán. Một người đã sở hữu SmartCA có thể thực hiện tất cả các giao dịch từ thuế, hải quan, các giao dịch hành chính công, ký giữa thể nhân với thể nhân hay giữa thể nhân với pháp nhân... VNPT dự kiến sẽ phối hợp với Văn phòng Chính phủ triển khai thí điểm SmartCA trên Cổng dịch vụ công quốc gia, sau đó sẽ nhân rộng trên toàn quốc.
Chia sẻ cụ thể hơn về sự chuẩn bị, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Ngô Diên Hy cho biết, hiện nay VNPT đã chuẩn bị đầy đủ về mặt hạ tầng, kỹ thuật đủ để triển khai trên toàn quốc. Các hồ sơ pháp lý đã hoàn thiện và đang triển khai các thủ tục cuối cùng để Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép làm căn cứ pháp lý chính thức cho dịch vụ. So với 2 hình thức ký số khác bằng token và sim PKI thì SmartCA là loại hình ký số thuận lợi nhất cho người dùng do không phụ thuộc vào nhà mạng, không phụ thuộc vào thiết bị, dễ dàng tích hợp với các ứng dụng ký số nên người dùng có thể sử dụng để ký các giao dịch từ Cổng dịch vụ công, hợp đồng điện tử, các tờ khai thuế, hải quan... Cũng theo ông Ngô Diên Hy, VNPT cũng triển khai các gói cước đáp ứng nhu cầu rộng rãi của doanh nghiệp, cá nhân từ các gói cước dài hạn tới các gói cước chỉ ký một vài lần trong thời gian ngắn nhằm tối ưu hóa chi phí của khách hàng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.