Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp cần thiết và hiệu quả

Thành Vinh| 04/12/2014 06:21

(HNM) - Qua một cuộc trao đổi mới đây về nội dung lấy ý kiến đóng góp của chi ủy và ban công tác mặt trận nơi cư trú do Ủy ban MTTQ TP Hà Nội tổ chức cho thấy, dù Quy định 76-QĐ/TƯ ngày 15-6-2000 của Bộ Chính trị đã được triển khai thực hiện nhiều năm nhưng việc thực hiện giữa các cơ sở vẫn thiếu thống nhất.

Theo Quy định 76-QĐ/TƯ về việc đảng viên đang công tác ở các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú thì hằng năm hoặc khi cần thiết, đảng bộ, chi bộ cơ sở nơi đảng viên công tác sẽ gửi phiếu xin ý kiến chi ủy và ban công tác mặt trận nơi cư trú. Trong việc đánh giá, phân loại đảng viên hằng năm, phiếu xin ý kiến trên là một trong những căn cứ đánh giá. Dù đã được thực hiện 14 năm nhưng qua ý kiến của một số bí thư, phó bí thư chi bộ cho thấy mỗi cơ sở có cách làm khác nhau. Có đồng chí vẫn cho rằng, việc lấy ý kiến của chi ủy và ban công tác mặt trận đối với đảng viên gặp nhiều khó khăn. Đảng viên đến xin ý kiến nhận xét thường ngoài giờ hành chính và đều có tâm lý là muốn được làm luôn, trong khi đó việc triệu tập họp đông đủ thành phần thì không phải lúc nào cũng có thể làm được, dẫn đến tình trạng nhiều khi bí thư chi bộ phải thay mặt cả ban chi ủy và mặt trận để nhận xét, vì vậy thường không bảo đảm khách quan. Bên cạnh đó, vẫn còn hiện tượng có cơ sở đảng không gửi phiếu xin ý kiến chi ủy và ban công tác mặt trận nơi cư trú của đảng viên; nội dung phiếu xin ý kiến của một số tổ chức đảng không thuộc TP Hà Nội cũng khác nhau…

Có thể khẳng định, từ khi thực hiện Quy định 76-QĐ/TƯ, ý thức trách nhiệm của đảng viên đối với các hoạt động cộng đồng, phong trào thi đua tại nơi cư trú đã có chuyển biến tích cực. Tại nhiều địa phương, những đóng góp của đảng viên tại nơi cư trú đã góp phần xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư, cải thiện tình hình kinh tế - xã hội, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự. Tuy nhiên, việc thực hiện chưa đồng bộ dẫn đến một bộ phận đảng viên vẫn chưa ý thức đầy đủ trách nhiệm của mình, sống xa rời quần chúng. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng, thống nhất phương pháp, cách làm trong thực hiện Quy định 76-QĐ/TƯ, đặc biệt là nâng cao vai trò, trách nhiệm của ban công tác mặt trận khu dân cư trong giám sát, đánh giá đảng viên nhằm gắn với việc thực hiện Quyết định 217-QĐ/TƯ và 218-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Tại một hội nghị do MTTQ thành phố tổ chức, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư 26A (thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh) Lâm Khắc Hùng giới thiệu kinh nghiệm hữu ích đó là cứ vào cuối năm, Ban chi ủy lại tập hợp danh sách đảng viên sinh hoạt hai chiều và tổ chức họp với Ban công tác Mặt trận để nhận xét, đánh giá từng trường hợp. Trên cơ sở biên bản cuộc họp, bí thư, phó bí thư chi bộ sẽ đại diện nhận xét ý kiến đối với các đảng viên vừa bảo đảm công bằng, dân chủ, vừa đáp ứng nguyện vọng muốn có nhận xét sớm của đảng viên.

Rõ ràng, cách làm ở khu dân cư 26A là phù hợp, hiệu quả và nhiều nơi cũng đã làm như vậy, vấn đề đặt ra là các cấp ủy, hệ thống mặt trận cần thống nhất đối với tất cả các chi bộ, ban công tác mặt trận khu dân cư để thực hiện đồng bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp cần thiết và hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.