(HNM) - Đầu tư công đóng vai trò quan trọng bởi là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, gần nửa chặng đường năm 2021 đã qua song tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn ở mức thấp. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng phải quyết liệt và khẩn trương hơn nữa trong đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhằm đạt mục tiêu đề ra.
Tỷ lệ giải ngân thấp
Theo Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2021 mới đạt trên 102.029 tỷ đồng, bằng 22,12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (25,98%).
Ngoài 7 bộ và 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao, trên 25% kế hoạch như: Thái Bình (73,74%), Hưng Yên (47,22%), Kiểm toán Nhà nước (46,89%)... thì hầu hết các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15% như: Bắc Kạn mới đạt gần 7%; Cần Thơ mới đạt gần 9%... Đáng chú ý, còn 8 bộ có tỷ lệ giải ngân dưới 1%. Như vậy, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua rất chậm.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) Lê Tuấn Anh, nguyên nhân chính của tình trạng trên là năm nay dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở nhiều địa phương khiến tiến độ thi công và giải ngân kế hoạch vốn bị ảnh hưởng.
Còn Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhìn nhận, thông thường, những tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương tập trung giải ngân vốn kéo dài từ năm 2020 song song với giải ngân vốn 2021. Đồng thời, một số chủ đầu tư cũng tập trung xây dựng kế hoạch đấu thầu, kế hoạch thi công... nên khối lượng thanh toán thấp. Song cũng có yếu tố chủ quan là một số đơn vị chưa quyết liệt trong xử lý vướng mắc, thiếu giám sát, kiểm tra, đôn đốc nên có nơi đạt kết quả cao nơi lại đạt kết quả thấp.
Chuyên gia kinh tế - tài chính, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, ngoài nguyên nhân cũ là giải phóng mặt bằng chậm thì khan hiếm và giá nguyên vật liệu tăng cao đột biến, đặc biệt là thép xây dựng, đã ảnh hưởng đến huy động nguồn lực và tiến độ thi công của nhà thầu. Giá thép và một số loại nguyên vật liệu đã tăng khoảng 40% đẩy nhà thầu thi công vào tình thế khó khăn. Nếu nhà thầu tiếp tục bảo đảm tiến độ thì đồng nghĩa với việc chấp nhận thua lỗ, nhưng nếu tự giảm tiến độ lại vi phạm hợp đồng đã ký kết.
Như thông tin từ Ban Quản lý dự án giao thông 7 (Bộ Giao thông - Vận tải), các gói thầu dự án cầu Mỹ Thuận 2 thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đang đứng trước nguy cơ chậm tiến độ do khan hiếm nguồn vật liệu xây dựng và “đội” giá so với dự toán.
Điều chuyển vốn sang dự án có kết quả giải ngân cao
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, một trong những động lực tăng trưởng kinh tế được kỳ vọng trong thời điểm hiện nay là nguồn vốn đầu tư công. Các dự án đầu tư công trọng điểm chậm hoàn thành giải ngân sẽ tác động đến động lực tăng trưởng kinh tế.
Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh đưa quan điểm, trước mắt cần sớm giải quyết tình trạng khan hiếm và giá nguyên vật liệu xây dựng tăng mạnh, trong đó thúc đẩy sản xuất, giảm bớt xuất khẩu những mặt hàng thép cần thiết để phục vụ thị trường trong nước.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ đã đề nghị một số doanh nghiệp sản xuất thép lớn rà soát, tiết giảm chi phí sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm, có biện pháp tăng công suất để đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước. Ngoài ra, Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ kiểm soát xuất khẩu đối với các loại thép trong nước đang có nhu cầu lớn và tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư sản xuất thép để sớm đưa vào hoạt động.
Còn nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng, để tăng tốc giải ngân đầu tư công trong tình hình hiện nay, càng cần phát huy tính chủ động và sáng tạo của mỗi đơn vị. Tuyệt đối chống tâm lý trông chờ, ỷ lại, sợ trách nhiệm trong giải ngân. Đặc biệt, việc quá thận trọng cũng ảnh hưởng đến kết quả chung và cần ủng hộ cách làm mang tính đột phá, đã được chứng minh là đúng trên thực tế.
Được biết, bên cạnh việc đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công, nghiệm thu, thanh toán, Bộ Tài chính đã đề nghị các địa phương thành lập tổ công tác xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Đồng thời, kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án không hiệu quả, chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, hiệu quả cao.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Thủ tướng yêu cầu kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra, đánh giá thực hiện; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là về thể chế, thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng.
Theo Cục Thống kê thành phố Hà Nội, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 5-2021 của Hà Nội ước đạt 3.767 tỷ đồng, tăng 18,1% so với tháng trước và tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, vốn thực hiện đạt 15,2 nghìn tỷ đồng, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước và bằng 30% kế hoạch năm 2021.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.