Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải mã thị trường chứng khoán trong nước lao dốc

Hương Thủy| 11/10/2018 18:42

(HNMO) - Phiên giao dịch ngày 11-10, thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh: VN-Index “bốc hơi” tới gần 50 điểm, xuống dưới mốc 950 điểm.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 48,07 điểm (-4,84%), xuống 945,89 điểm; HNX-Index hạ 6,59 điểm (-5,79%), về 107,17 điểm. Đây là một trong những phiên giảm mạnh nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán trong nước.

Trên sàn TP Hồ Chí Minh, số mã giảm sàn gấp 3 lần số mã tăng điểm. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cũng có diễn biến tiêu cực khi cả 30 mã trong rổ VN30 đều giảm điểm, trong đó có 10 mã giảm sàn.

Cổ phiếu giảm giá bao phủ gần kín bảng giao dịch điện tử phiên ngày 11-10.


Các mã ảnh hưởng tiêu cực nhất tới chỉ số VN-Index là GAS, VCB, VIC, VHM, BID. Thanh khoản trên hai sàn tăng mạnh với giá trị giao dịch đạt 9.181 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch 455 triệu cổ phiếu. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng với giá trị khoảng 267 tỷ đồng trên sàn TP Hồ Chí Minh.

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, thị trường giảm mạnh như vậy chủ yếu do thị trường chứng khoán Mỹ giảm sâu (trên 3%) đã tác động đến tâm lý nhà đầu tư tại thị trường trong nước. Thị trường chứng khoán Mỹ giảm được cho là do việc tăng lãi suất USD quá nóng. Cùng với đó, giới đầu tư lo ngại căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và Mỹ đang phải đối mặt với một số cơn bão lớn sẽ khiến tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp giảm.

Ngoài nguyên nhân do tác động tâm lý, thị trường giảm mạnh còn bởi công ty chứng khoán có thể đã tranh thủ giảm lượng margin (giao dịch mua chứng khoán của nhà đầu tư có sử dụng tiền vay của công ty chứng khoán). Khi cổ phiếu giảm giá đến mức nào đó, công ty chứng khoán yêu cầu nộp tiền thêm vào hoặc bán cổ phiếu ra và thu tiền cho vay về nhằm tránh rủi ro, khiến thị trường không thể thu hẹp đà giảm.

Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, phản ứng của nhà đầu tư trong phiên này hơi quá đà, hay nói cách khác là tâm lý nhà đầu tư bi quan thái quá. “Trạng thái này đã xảy ra nhiều lần trong quá khứ. Mỗi giai đoạn nhà đầu tư bi quan thái quá như vậy thì thị trường thường sẽ hồi phục lại rất nhanh”, chuyên gia chứng khoán này chia sẻ.

Điểm tích cực của thị trường trong ngày hôm nay được nhìn nhận là thanh khoản lớn, lực cầu bắt đáy mạnh. Bên cạnh đó, nhìn vào tổng lượng giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài, khối này giao dịch ít hơn nhiều so với khối nội. Nhà đầu tư ngoại vẫn bán ròng nhưng lượng bán ròng không nhiều. Giá trị mua và bán của nhà đầu tư ngoại chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng giao dịch trên thị trường. Điều này cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài có thể không quá hoảng loạn như nhà đầu tư trong nước.

Nhận định về phiên giao dịch ngày mai, ông Nguyễn Thế Minh cho hay, lực bán ra về cuối phiên hôm nay vẫn lớn và do trạng thái quán tính nên phiên sáng mai thị trường sẽ vẫn chịu áp lực bán ra. “Đầu phiên sáng, thị trường có thể tiếp tục giảm nhưng tôi kỳ vọng vào cuối phiên, thị trường cân bằng trở lại nhờ lực cầu bắt đáy gia tăng”, chuyên gia này nói.

Cùng quan điểm, Công ty chứng khoán Bảo Việt nhìn nhận, phiên sụt giảm mạnh hôm nay đã khiến các chỉ số và nhiều nhóm cổ phiếu rơi vào tình trạng quá bán. Điều này có thể sẽ sớm giúp thị trường hồi phục trở lại trong những phiên tới với vùng kháng cự dự kiến là 955-972 điểm. Tuy nhiên, đây có thể chỉ là nhịp hồi phục mang tính kỹ thuật sau phiên lao dốc mạnh. Vùng hỗ trợ tiếp theo của chỉ số nằm tại 918-922 điểm -vùng điểm được kỳ vọng sẽ giúp thị trường tăng điểm trở lại.

Trong khi đó, Công ty chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) đưa quan điểm, phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index có thể hồi phục trở lại nếu như vùng 930-940 điểm không bị xuyên thủng.

“Nhà đầu tư cần quan sát kỹ phản ứng của thị trường trong vùng hỗ trợ mạnh 930-940 điểm ở phiên tiếp theo, cân nhắc giảm tỷ trọng cổ phiếu nếu vùng này bị xuyên thủng”, SHS lưu ý.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải mã thị trường chứng khoán trong nước lao dốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.