(HNM) - Sau hơn nửa tháng đưa rùa Hồ Gươm về chân Tháp Rùa chữa bệnh, vấn đề được không chỉ giới khoa học mà nhiều người dân đặc biệt quan tâm là đây có phải loài mới hay không? Chiều qua (22-4), kết quả này chính thức được GS-TS Lê Trần Bình (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học) công bố.
Nhân viên y tế bôi thuốc chữa bệnh ngoài da cho rùa Hồ Gươm. Ảnh: Hà Hồng |
Rùa Hồ Gươm (Rafetus Vietnamensis)
Đây là tên gọi chính thức của cá thể rùa Hồ Gươm theo cách gọi trong nước cũng như theo danh pháp quốc tế được GS Lê Trần Bình khẳng định thông qua kết quả phân tích ADN. Phương pháp giám định gene được lựa chọn là dùng gene ti thể - một trong những phương pháp hiện đại nhất thế giới hiện nay - để xác định loài. Ba mẫu (máu, bông dùng rửa vết thương và một ít da) đã được sử dụng để giải mã gene. “So sánh mẫu gene thu được từ cá thể rùa Hồ Gươm với một số mẫu gene rùa khổng lồ hiện được lưu giữ tại chùa Hưng Ký (Hà Nội) và Quảng Phú (Thanh Hóa) đã được phân tích trước đó cho thấy giống nhau một cách tuyệt đối. Đây là loài động vật đặc hữu của cả nước, có vùng phân bố thuộc lưu vực ba con sông là sông Hồng, sông Mã, sông Đà ở miền Bắc Việt Nam” - GS Lê Trần Bình khẳng định.
Theo GS Lê Trần Bình, năm 2003, ông đã công bố mẫu cá thể rùa lưu giữ ở chùa Hưng Ký có tên khoa học là Rafetus Vietnamensis. Năm 2010, ông và các cộng sự tiếp tục công bố kết quả đề tài nghiên cứu khoa học “So sánh hình thái và phân tích DNA (nhận dạng gene - PV) mẫu rùa mai mềm nước ngọt của Việt Nam gần với rùa hồ Hoàn Kiếm”. Phân tích hình thái hộp sọ của các mẫu vật thu được cho thấy, rùa lớn mai mềm của Việt Nam khác với rùa Rafetus swinhoei (còn được gọi là giải Thượng Hải). Trình tự giải mã gene cũng cho kết quả tương tự. Phân tích phát sinh loài cho thấy rùa lớn mai mềm của Việt Nam tạo thành một nhóm riêng biệt, gần Rafetus swinhoei và Rafetus euphraticus. Điều này cho thấy, rùa lớn mai mềm nước ngọt của Việt Nam là loài mới, chưa từng được nghiên cứu phân loài và có thể đặt tên là Rafetus vietnamensis. Hiện trên Ngân hàng dữ liệu bò sát quốc tế (http://reptile-database.reptarium.cz/) cũng đã xuất hiện tên gọi nêu trên.
GS-TS Lê Trần Bình cho biết thêm: “Chúng tôi chưa so sánh giữa cá thể rùa Hồ Gươm với cá thể rùa Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội). Thực tế, đã có thông tin cho rằng, rùa Đồng Mô tương đồng với cá thể rùa Hưng Ký. Nếu chiếu theo tính chất bắc cầu, thì rùa Hồ Gươm cũng tương đồng với rùa Đồng Mô. Tuy nhiên, trong khoa học không ai làm thế. Cũng không thể khẳng định rùa Hồ Gươm có cùng loài với hai cá thể đang sống ở Trung Quốc vì nước này chưa công bố lên ngân hàng gene quốc tế. Từ dữ liệu gene có được, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, đặc biệt là hướng đến xây dựng sơ đồ tiến hóa của loài này”.
Cũng theo kết quả giải mã gene, cá thể rùa Hồ Gươm được xác định là thuộc giống cái. Điều này hoàn toàn phù hợp với nhận định trước đó của nhiều chuyên gia thông qua phân tích kích thước, đuôi, màu da, độ bóng của da và vai có răng cưa hay không.
Chăm sóc rùa Hồ Gươm tại bể dưỡng thương. Ảnh: Đan Nhiễm |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.