Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải mã những điều kỳ bí trong “Cậu bé của sông”

T.Minh| 17/08/2010 20:37

(HNMO) -



(HNMO) - "River Boy" (Cậu bé của sông) là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Tim Bowler – nhà văn chuyên viết chuyện cho lứa tuổi thanh thiếu niên. “Cậu bé của sông” đã từng giành được giải thưởng Carnegie Medal – giải thưởng văn học danh giá của Anh. Sách do  dịch giả Dương Kim Thoa dịch sang tiếng Việt, NXB Lao động và Công ty Sách Bách Việt phát hành vừa ra mắt độc giả Việt.

“Cậu bé của sông” là câu chuyện kể về Jess là một cô bé 15 tuổi có tài bơi lội giỏi. Cô rất yêu quý ông nội, người luôn cổ vũ cho cô theo đuổi ước mơ của mình. Nhưng thật buồn, ông bị bệnh rất nặng và sắp sửa qua đời…Ông hầu như không cử động được đôi tay, phải ngồi trên xe lăn nhưng vẫn cương quyết từ chối ở lại bệnh viện vì ông đang ấp ủ bức vẽ cuối cùng của đời mình, bức tranh với cái tên "River Boy" (Cậu bé của sông). Và trước khi từ giã cõi đời, người ông cùng gia đình về nghỉ tại vùng quê trước đây ông đã từng sống những năm tháng tuổi thơ. Trở lại nơi này, ông mang theo tâm nguyện hoàn thành bức tranh của mình.

Diễn biến của cuốn tiểu thuyết sẽ xoay quanh chuyến đi đầy ý nghĩa này. Họ ở lại một ngôi nhà gần một dòng sông. Rồi những điều bất ngờ xảy ra: sự xuất hiện của Alfred, người bạn tuổi thơ của ông nội Jess và đặc biệt là sự xuất hiện của một cậu bé trên dòng sông đầy bí ẩn. Jess là người tinh tế, nhạy cảm. Cô bé rất hiểu ông mình, cô cảm nhận được sự huyền bí của nơi đây. Jess đã bơi trên dòng sông đó và tình cờ gặp cậu bé bí ẩn kia. Ông của Jess ngày một yếu hơn, ông không thể tự mình vẽ tiếp bức tranh còn dang dở. Jess đã cùng ông hoàn thành những nét vẽ cuối cùng.

Người ông đang hấp hối. Ông hầu như không còn đủ sức nâng bàn tay của mình lên nhưng vẫn bướng bỉnh như trước và không chịu vào bệnh viện. Ông kiên quyết hoàn thành bức tranh cuối cùng trước khi ra đi, đó là bức “Cậu bé của sông”.

Thoạt đầu Jess không hiểu tại sao ông từ chối không vào viện, nhưng rồi cô bắt đầu bị cuốn vào bức hoạ bí ẩn của ông. Và khi giáp mặt với cậu bé của sông, Jess nhận ra rằng, cô bé cần vượt qua một thách thức của chính bản thân mình và cô phải hoàn thành nhiệm vụ đó trước khi quá muộn…

Kết thúc câu chuyện, người ông qua đời một cách thanh thản, còn Jess vượt qua thử thách của chính mình: bơi trên dòng sông và ra đến biển (như lời cậu bé bí ẩn gợi ý), cô bé cũng hiểu ý nghĩa sâu xa của bức tranh: hình ảnh dòng sông trong bức tranh mang bóng dáng của một con người và những điều người ông yêu quý muốn nhắn nhủ với cô. Cuối cùng, cô để người ông yêu quý của mình mãi ở lại với dòng sông.

Được Time Out đánh giá là “Tác phẩm là sự khám phá kỳ diệu, mãnh liệt về những tình cảm gắn bó của một cô bé mới lớn với người ông bẳn tính và cũng là một hoạ sỹ. Lối viết của Bowler đã tạo nên những hình ảnh thị giác khó quên và các nhân vật của ông là sự thay đổi mới mẻ, khác hẳn với vấn đề sáo mòn giữa con cái và các bậc phụ huynh mà văn chương đương đại viết cho trẻ em đang sa vào”, Cậu bé của sông quả là một câu chuyện cực kỳ lý thú - mạnh mẽ, kỳ ảo, khó quên, một tác giả kinh điển trẻ tuổi của một cuốn sách đã tận hưởng những năm tháng đầu tiên của những điều có thể và sẽ là bất tử.

Tim Bowler, nhà văn người Anh chuyên viết truyện cho lứa tuổi thanh thiếu niên. Tính đến nay ông đã viết được 19 tác phẩm và giành được 15 giải thưởng, trong đó có giải thưởng danh giá Carnegie Medal cho tác phẩm “Cậu bé của sông”. Ông đã được báo giới của Anh ca ngợi như: tờ Sunday Telegraph đánh giá là “bậc thầy của thể loại truyện tâm lý ly kỳ” và tờ Independent ca ngợi là “một trong những giọng văn đặc biệt nhất trong văn học dành cho tuổi teen ở Anh”. Các tác phẩm nổi bật của ông gồm: Midget (1995), River boy (Cậu bé của sông, 1997), Shadows (Những cái bóng, 1999), Storm Catchers (2001), Frozen Fire (2006)…
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải mã những điều kỳ bí trong “Cậu bé của sông”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.