(HNM) - Ngày 7-3, trong 2 giờ trả lời trực tuyến tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cùng lãnh đạo các vụ, cục chức năng đã giải đáp gần 40 câu hỏi...
Các giáo viên sẽ yên tâm công tác khi được giải quyết chế độ phụ cấp thâm niên. Ảnh: Bảo Lâm
Tuyển sinh ĐH, CĐ cơ bản ổn định
Vấn đề được nhiều phụ huynh, thí sinh quan tâm nhất trong thời điểm này là các quy định cụ thể liên quan đến kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012. Trả lời câu hỏi của chị Nguyễn Thị Hà (tỉnh Vĩnh Long) về việc tổ chức thi và tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay có gì thay đổi so với trước, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định: "Về cơ bản, kỳ thi sẽ giữ ổn định như năm 2011, chỉ có một số thay đổi chi tiết nhằm tạo thuận lợi hơn cho thí sinh và người nhà. Ví dụ, về khối thi, mở thêm khối A1 là toán, lý, Anh văn, nhưng với các trường năm trước đã tuyển sinh khối A thì nay phải tuyển cả A và A1 để tránh bất ngờ cho thí sinh".
Một số thay đổi khác, chủ yếu về mặt kỹ thuật, như từ năm 2012, Bộ khôi phục chế độ tuyển thẳng đối với những HS THPT đoạt giải thi chọn HS giỏi quốc gia, quốc tế. Bộ GD-ĐT ưu tiên HS vào học những ngành mà nền khoa học công nghệ, nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước cần nhân lực chất lượng cao. Bộ trưởng cũng cho biết, từ năm nay, cụm thi Vinh và Hải Phòng sẽ được mở rộng nhằm giảm bớt vất vả cho thí sinh và người nhà. Các thí sinh vùng lân cận Hải Phòng và Nghệ An có thể về đây tham dự kỳ thi ĐH, CĐ.
Liên quan đến tuyển sinh, trả lời câu hỏi về giải pháp cải thiện tình trạng mất cân đối của các ngành đào tạo nông - lâm - ngư nghiệp và sư phạm so với các ngành tài chính, ngân hàng, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận đây là một thực tế và ngành GD-ĐT đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để cải thiện. Cụ thể, ở ngành nông - lâm - ngư nghiệp và sư phạm, giáo viên có phụ cấp thâm niên, phụ cấp đứng lớp. Những người công tác ở vùng sâu, xa, vùng dân tộc đặc biệt khó khăn được phụ cấp thu hút, mức cao nhất lên tới 70%.
Bên cạnh vấn đề tuyển sinh, thực trạng giáo dục đại học hiện nay, nhất là giáo dục đại học ngoài công lập còn thấp, đầu vào kém cũng là vấn đề mà nhiều câu hỏi đề cập đến. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận đây là một điều đang gây bức xúc cho xã hội và khẳng định Bộ đang đẩy mạnh công tác thanh - kiểm tra để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo. Cụ thể trong năm 2011, Bộ đã kiểm tra các điều kiện bảo đảm chất lượng, điều kiện thành lập trường của các trường được thành lập trong 10 năm qua, trong đó có các trường ngoài công lập. Trên cơ sở đó, Bộ đã có những cảnh báo, nhắc nhở, yêu cầu bổ sung với các trường chưa đủ điều kiện, quyết định dừng tuyển sinh với 4 trường vi phạm nghiêm trọng.
Việc thanh - kiểm tra vẫn tiếp tục được triển khai trong năm 2012 và hiện các đoàn thanh tra đang tiến hành thanh - kiểm tra các trường được thành lập 10 năm qua. Trước mắt, đợt này Bộ sẽ tiến hành thanh - kiểm tra 80 trường. Tinh thần và cách làm cũng sẽ như đợt năm 2011. Quan điểm của Bộ là lấy chất lượng làm mục tiêu, nâng cao chất lượng là nhiệm vụ hàng đầu. Bộ đang triển khai các biện pháp quản lý nhà nước đồng bộ, chấn chỉnh những lệch lạc, sai sót, lỏng lẻo, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo của các nhà trường, trong đó có các trường ngoài công lập.
Tăng động lực giúp giáo viên yên tâm công tác
Một trong những nội dung được nhiều cán bộ, giáo viên quan tâm và gửi câu hỏi đến Bộ trưởng Phạm Vũ Luận là cách thức giải quyết chế độ phụ cấp thâm niên theo Nghị định của Chính phủ mới ban hành. Đến nay đã qua ngày văn bản có hiệu lực (20-2-2012) nhưng ngay tại Hà Nội, các giáo viên vẫn chưa được nhận chế độ và cũng chưa biết khi nào được nhận. Về vấn đề này, bộ trưởng trả lời: Chúng tôi muốn ban hành sớm nhất nhưng do có tới 4 bộ tham gia ban hành, nội dung lại liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau nên mặc dù các bộ, ngành làm rất nghiêm túc nhưng có thể một phần do năng lực, phần lớn do cơ chế, nên triển khai chưa được nhanh. Tuy nhiên, các nhà giáo sẽ được truy lĩnh chế độ phụ cấp thâm niên.
Để khắc phục tình trạng chảy máu chất xám ở cấp học mầm non, Bộ GD-ĐT đã ban hành định mức làm việc của giáo viên mầm non với thời gian giảng dạy trực tiếp trên lớp chỉ còn 6 tiếng để các cô không phải làm việc căng thẳng như hiện nay. Thời gian còn lại (2 tiếng) dành để soạn bài, làm đồ dùng và làm các nhiệm vụ giáo dục khác. Ngoài ra, để thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc trẻ, Bộ cũng đang nghiên cứu để có biên chế bảo mẫu.
Những tâm tư về điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, đời sống giáo viên vùng cao khó khăn, có nơi không biết đến tiền thưởng Tết… cũng được Bộ trưởng chia sẻ. Theo Bộ trưởng, mặc dù giáo viên đã có chế độ phụ cấp thâm niên, giáo viên vùng cao có phụ cấp thu hút, song những khó khăn của đội ngũ thầy cô giáo, HS tại vùng khó khăn cũng còn nhiều. Chính phủ đang xây dựng chính sách tiền lương mới, các bộ, ngành đang xem xét, đề xuất chính sách đặc thù đối với thầy cô, sinh viên, HS và các đối tượng ưu tiên. Tuy nhiên, chính sách này vẫn phải đặt trong mặt bằng chung với các đối tượng ưu tiên khác.
Sau hai tiếng ngồi trên "ghế nóng", trả lời liên tục các câu hỏi của người dân nhưng số câu hỏi vẫn không ngừng được gửi đến, ban tổ chức cho biết, các ý kiến thắc mắc sẽ tiếp tục được Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải đáp, trả lời độc giả trong thời gian sớm nhất.
Một số thay đổi trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.