(HNNN) - Chỉ trong vòng 24 giờ của ngày đầu tháng 4, hai trẻ đang ở độ tuổi đẹp nhất đã chọn cách kết thúc cuộc đời để thoát khỏi bế tắc. Trước đó không lâu, một học sinh lớp 6 cũng chọn cách này để giải tỏa áp lực... Trẻ tự tử ở lứa tuổi học đường là điều đau xót, khiến người lớn ám ảnh với nhiều câu hỏi. Vì sao các em lại tìm đến cái chết? Vì sao không thể ngăn chặn điều này? Vì sao người xung quanh các em không lường trước được nguy cơ?...
“Điểm mặt” nguyên nhân
Theo thống kê của Trung tâm Phòng chống khủng hoảng tâm lý (PCP), tại Việt Nam, thanh thiếu niên từ 15 - 24 tuổi thuộc nhóm tuổi có ý định tự sát cao hơn cả, trong đó tỷ lệ nữ giới có ý định tự sát cao gấp hai lần so với nam. PGS.TS Trần Thành Nam, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng khẳng định, thời gian gần đây, tỷ lệ trẻ bị tổn thương sức khỏe tâm thần có chiều hướng tăng lên. Trong đó, nhóm tuổi 15 - 17 có nguy cơ lo âu trầm cảm cao nhất. Tổn thương sức khỏe tâm thần có thể diễn tiến theo từng bước, từ bị stress, lo âu nhưng không được giải tỏa kịp thời rồi trở thành trầm cảm, thu mình, không thích giao tiếp với ai. Nặng hơn, trẻ sẽ có suy nghĩ như thích làm hại, trừng phạt bản thân (cứa tay, chân), tự tử. Quá trình đó thường diễn ra trong một thời gian, và được thể hiện qua một số hành động, lời nói bất thường. Nếu cha mẹ, người thân phát hiện kịp thời thì sẽ giúp được trẻ. Tuy nhiên, trên thực tế, đáng tiếc là việc phát hiện đôi khi diễn ra quá muộn.
Lý giải về nguyên nhân khiến trẻ muốn tự tử, các chuyên gia y tế cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do chứng trầm cảm ở tuổi học đường. Đó là một chứng bệnh gây ra bởi sự tích tụ kéo dài những cảm xúc, ức chế bị dồn nén do buồn chán trước mâu thuẫn trong gia đình, do không được thỏa mãn nhu cầu của bản thân, hoặc do có bất hòa trong mối quan hệ bạn bè. Một số gia đình đặt cho trẻ những mục tiêu phải đạt được như phải thi đỗ trường chuyên, lớp chọn, phải đứng đầu lớp... Để hoàn thành mục tiêu đó, trẻ liên tục bị cha mẹ thúc ép học, phải học nhiều giờ trong ngày, nhiều ngày trong tuần, thời gian nghỉ ngơi bị cắt ngắn dẫn tới trẻ chán nản, thấy cuộc sống chỉ toàn mệt mỏi... Tổng hợp của một hoặc nhiều yếu tố khiến trẻ rơi vào bi quan nhưng không muốn chia sẻ hoặc không biết phải chia sẻ cùng ai, và đây chính là lý do dẫn tới suy nghĩ tiêu cực.
Bên cạnh đó, xã hội hiện đại tiềm ẩn những nguy cơ khác, như sự nở rộ loại video độc hại được phát trên YouTube hướng dẫn cách treo cổ, cắt tay, tự tử theo cách thức đặc biệt, trẻ xem và có thể học theo. Trẻ có thể bị dẫn dắt khi vô tình tham gia các nhóm kín trên mạng và bị nhiễm lối suy nghĩ lệch lạc về cái chết. Đáng lo ngại hơn nữa là thực trạng sử dụng chất gây nghiện ở trẻ vị thành niên, thanh niên. Những chất này có thể gây ảo giác, hoang tưởng và dẫn tới hành vi tự hủy hoại...
Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mỗi trường phải có phòng tư vấn tâm lý học đường, tuy nhiên, hiện nay đây vẫn là “khoảng trống” chưa được lấp đầy. Phần lớn các phòng tư vấn tâm lý học đường hiện đang hoạt động nhạt nhòa và thiếu chuyên nghiệp, chưa có quy trình sàng lọc định kỳ, chưa có các hoạt động phòng ngừa, thiếu không gian riêng tư, thiếu bộ công cụ trắc nghiệm, thiếu mạng lưới kết nối với các chuyên gia đầu ngành. Đặc biệt, ở trường công lập, phần lớn cán bộ tham vấn đều là giáo viên kiêm nhiệm, thiếu kỹ năng, kiến thức nên hiệu quả hoạt động chưa được như mong muốn.
Ngoài ra, còn một nguyên nhân điển hình của hầu hết các vụ tự sát học đường là phụ huynh và người thân trong gia đình coi nhẹ những tâm sự, băn khoăn, lo lắng của trẻ. PGS.TS Lê Thị Bích Hồng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương, chia sẻ: “Từng có rất nhiều năm làm cố vấn tâm lý tại Tổng đài 1088 - “Nhịp cầu tư vấn” của Công ty Dịch vụ viễn thông Hà Nội (thuộc VNPT Hà Nội) và cố vấn tâm lý cho đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em miễn phí “Phím số diệu kỳ - 1800 1567” - dịch vụ tư vấn và hỗ trợ trẻ em của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), nay là Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em - 111), tôi nhận thấy rằng, trẻ em trong xã hội hiện đại gặp rất nhiều vướng mắc về tâm lý. Nếu như người lớn không kịp thời nắm bắt thì sẽ gây hậu quả khôn lường”.
Cần sự vào cuộc mạnh mẽ
Trước 2 sự việc đáng tiếc diễn ra vào đầu tháng 4 vừa qua, cô Nguyễn Hồng Nhung, giáo viên Trường THCS Marie Curie (Hà Nội) cho biết: “Từng nhiều năm làm chủ nhiệm lớp, có thời gian trò chuyện rất nhiều với học sinh, tôi cho rằng điều quan trọng nhất để giúp trẻ vị thành niên thoát khỏi tình trạng trầm cảm hoặc hành vi tự tử là cha mẹ lắng nghe con đúng cách. Cha mẹ nên trở thành người bạn của con, tiếp cận trẻ một cách nhẹ nhàng, bình đẳng. Tìm hiểu những vấn đề mà con gặp phải, cố gắng đứng dưới góc nhìn của con để suy xét, tìm hiểu cảm nhận của con. Thay vì áp đặt suy nghĩ của bản thân lên con, cha mẹ cần kiên nhẫn nghe con giãi bày, trao đổi ý kiến để con cảm thấy tâm tư, suy nghĩ của mình được tôn trọng thực sự. Khi ấy trẻ sẽ tin tưởng cha mẹ và dễ dàng tâm sự với cha mẹ hơn. Bên cạnh đó, các nhà trường cần vào cuộc mạnh mẽ hơn. Trước luồng thông tin đa chiều từ mạng Internet, nhà trường cần có định hướng đúng đắn, ngăn chặn trẻ vị thành niên tiếp thu thông tin sai lệch, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý của trẻ. Quan trọng hơn, nhà trường cần lấp đầy khoảng trống tư vấn tâm lý học đường, tạo điều kiện để mối quan hệ thầy - trò gần gũi hơn và các giáo viên có đủ thời gian điều kiện theo sát các em, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học trò”.
Còn theo PGS.TS Lê Thị Bích Hồng, khẳng định nguyên nhân ở đâu thì tìm giải pháp ở đó. Bà chia sẻ: “Ngay lúc này, chúng ta nên dừng phán xét, cần hành động ngay. Cha mẹ cần gần gũi con hơn, tạo mối gắn kết bền chặt hơn, không tạo áp lực cho con, không so sánh con với các bạn khác, phải lắng nghe, tôn trọng con. Đặc biệt, điều chúng ta đang thiếu nhất hiện nay chính là các lớp học tâm lý dành cho người lớn để cả phụ huynh, giáo viên kịp thời phát hiện ra vấn đề của những đứa trẻ xung quanh mình, nhờ đó kịp thời thể hiện sự quan tâm, tìm giải pháp điều trị tâm lý chuyên nghiệp, phù hợp”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.