(HNMO) - Ứng dụng nhắn tin miễn phí trên di động đã xuất hiện từ đầu năm 2012, nhưng chủ yếu là của các công ty nước ngoài và chưa được phổ biến rộng rãi.
Người nổi tiếng cũng mê ứng dụng nhắn tin miễn phí trên di động. |
Ứng dụng được nhiều người biết đến nhiều trước đây là Viber với tính năng gọi điện thoại với 3G với tiếng thoại khá trong và rõ. Tuy nhiên, sản phẩm này chủ yếu được người dùng gọi liên lạc với nước ngoài mà không phổ biến để gọi trong nước và chat với nhau. Một trong những lý do là Viber thiếu đầu tư phát triển các tính năng đặc thù cho thị trường Việt Nam cũng như không có giao diện và nội dung tiếng Việt, không tạo điều kiện thuận lợi cho người dùng.
Sau Viber, Wechat là ứng dụng nhắn tin miễn phí được nhiều người biết đến và số lượng sử dụng cũng tăng khá nhanh, cũng lên sát con số 1 triệu vào đầu năm 2013. Tuy nhiên, sau gần một năm xuất hiện trên thị trường, Wechat bị phát hiện có tích hợp bản đồ “Đường lưỡi bò” vào sản phẩm và trở thành biểu tượng của sự xâm lược nên bị người dùng Việt Nam tẩy chay.
Trong khi nhắn tin còn có thể vẽ, gửi hình ảnh và âm thanh cho người khác. |
Ra đời sau Wechat nhưng những ứng dụng thuần Việt như Zalo, Wala hay Timbox khiến cho thị trường nhắn tin miễn phí nóng hơn bao giờ hết. Đặc biệt là Zalo với những phiên bản cập nhật, tính năng mới bổ sung liên tục và các nội dung thuần Việt đa dạng đã tạo nên một “cơn sốt” lan truyền trong giới trẻ cũng như dân văn phòng. Cho đến cuối tháng 2, Zalo cũng gần đạt mốc 1 triệu người dùng và đang tạo ra một “cơn bão” lan truyền về ứng dụng nhắn tin miễn phí trên di động. Vậy đâu là nguyên nhân gây ra cơn sốt này?
Thứ nhất, cơn sốt nhắn tin miễn phí trên di động diễn ra bắt nguồn từ sự thuận tiện. Khi 2 người quen (có lưu số di động của nhau) cùng cái ứng dụng nhắn tin miễn phí thì họ có thể chat với nhau luôn khi bật ứng dụng mà không cần phải thêm vào danh sách bạn bè như Yahoo Messenger. Hầu hết các ứng dụng nhắn tin miễn phí đều cho phép nhận ra bạn bè qua chính số di động lưu trên điện thoại.
Thứ hai, nhắn tin với các ứng dụng như Zalo, Wala là hoàn toàn miễn phí. Đây là điểm hết sức quan trọng, đặc biệt là đối với nhóm người dùng trẻ như học sinh, sinh viên (cũng là những người thường xuyên sử dụng hình thức nhắn tin nhất). Thứ ba, điều khiến các ứng dụng này trở nên ngày một phổ biến chính là yếu tố trào lưu. Với những sản phẩm miễn phí, chất lượng tốt, khả năng tự lan truyền rất lớn. Chẳng hạn, khi một người bạn của bạn mách nước một câu dạng như: “Này, dùng Zalo đi, tôi với bà có thể gửi tin nhắn miễn phí tẹt ga, chỉ tốn cước 3G thôi. Mà 3G bây giờ rẻ bèo, 40 ngàn là dùng thoải mái cả tháng”. Những mốt sử dụng blog hay tham gia mạng xã hội đều xuất phát từ những câu truyền miệng dạng như vậy.
Thứ tư, nếu như trước đây các ứng dụng nhắn tin miễn phí nước ngoài chỉ cho phép người dùng sử dụng trên smartphone cao cấp với 3G và Wifi thì sự có mặt của sản phẩm trong nước như Zalo khiến thị trường thay đổi hẳn. Zalo cho phép chạy tốt trên cả smartphone phổ thông của Nokia trên nền 2G và 2,5G khiến cho lượng người dùng tăng vọt. Con số gần 1 triệu người dùng Zalo sau vài tháng tung ra thị trường là minh chứng cho “cơn sốt” hàng nội về nhắn tin miễn phí trên di động.
Thứ năm, ứng dụng nhắn tin di động có nhiều điểm ưu việt hơn hẳn nhắn tin truyền thống. Ví dụ như việc gửi tin nhắn thoại, gửi hình ảnh, các đoạn video ngắn cho nhau hoặc thậm chí cùng nhau vẽ một bức tranh vui (trong trường hợp của Zalo). Đó là chưa kể đến việc có thể tìm kiếm bạn bè ở xung quanh nhờ chức năng định vị, tham gia vào các phòng trò chuyện theo từng chủ đề, từng địa phương để tìm kiếm những người có cùng niềm đam mê.
Ứng dụng nhắn tin di động không phải thứ gì đó quá đặc biệt nhưng với sự tham gia của các sản phẩm Việt Nam, như Wala, Timbox đặc biệt là Zalo, thị trường này đang trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Thị trường này càng phát triển nóng thì đối tượng được lợi nhất chính là người dùng. Với việc Zalo – một ứng dụng “made in Vietnam” đang dẫn đầu thị trường, người dùng có thể tin tưởng vào một dịch vụ chất lượng tốt, được đầu tư lớn và quan trọng nhất là mang đậm hồn Việt, tránh những sự cố đáng tiếc như vụ “đường lưỡi bò” của WeChat.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.