Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải đáp chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19

Hà Hiền| 27/04/2020 18:18

(HNMO) - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Quân cho biết, nguyên tắc triển khai các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 là hỗ trợ những người bị ảnh hưởng sâu, bị mất việc, giãn việc, thu nhập không bảo đảm mức sống tối thiểu.

Ngày 27-4, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai và giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Dự hội nghị tại điểm cầu trung ương có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cùng đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương.

Tại điểm cầu Hà Nội có sự tham dự của Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương; Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cùng đại diện các sở, ngành chức năng.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý phát biểu tại điểm cầu Hà Nội.

Thiết lập đường dây nóng để tiếp thu phản ánh của người dân

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đánh giá, đến nay, nước ta đã cơ bản khống chế được dịch Covid-19. Tuy nhiên, dịch diễn biến phức tạp trong thời gian dài đã tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội, khiến một bộ phận người dân gặp khó khăn. Nhằm tạo giá đỡ an sinh xã hội cho người dân, ngày 9-4-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Việc thực hiện chính sách này đã được quy định cụ thể tại Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24-4… 

“Để chính sách hỗ trợ đến đúng người, đối tượng cần trợ giúp, các cơ quan chức năng cần xây dựng phương án triển khai bài bản, công khai, minh bạch, với sự tham gia của nhiều ngành, nhiều phía, trong đó trực tiếp là các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở. Với vai trò giám sát, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ thiết lập, công khai số điện thoại đường dây nóng, sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến phản ánh của nhân dân”, đồng chí Trần Thanh Mẫn cho hay.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết thêm, hoạt động giám sát sẽ tập trung vào các nhóm đối tượng được thụ hưởng theo tinh thần Nghị quyết số 42/NQ-CP, như người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; hộ kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm; người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; đối tượng bảo trợ xã hội; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo…

Quá trình triển khai gặp không ít vướng mắc

Thảo luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, đến nay, Hà Nội đã cơ bản rà soát xong 5 nhóm đối tượng bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết số 42/NQ-CP. Kết quả bước đầu cho thấy, toàn thành phố có gần 1,478 triệu người bị ảnh hưởng, với tổng số tiền dự kiến hỗ trợ là hơn 3.528 tỷ đồng.

Cùng với đó, Hà Nội giao các sở, ngành chức năng xây dựng kế hoạch hướng dẫn triển khai các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn theo hướng linh hoạt, phù hợp với đặc thù ở Thủ đô; đồng thời chủ động chuẩn bị nguồn kinh phí hỗ trợ.

Dự kiến, thành phố Hà Nội sẽ triển khai hỗ trợ trước ngày 30-4 cho 3 nhóm đối tượng đã có kết quả rà soát chính xác là người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hằng tháng; nhân khẩu thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Tổng số người được hưởng trợ cấp thuộc 3 nhóm đối tượng này là hơn 410.000 người với số tiền hỗ trợ hơn 500 tỷ đồng.

Để gói an sinh xã hội sớm đến với đối tượng thụ hưởng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý kiến nghị, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm có văn bản hướng dẫn chi tiết việc triển khai các chính sách hỗ trợ với từng nhóm đối tượng cụ thể, làm căn cứ cho các địa phương triển khai chính xác, khách quan.

Không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách

Trả lời một số thắc mắc, kiến nghị của các địa phương, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Quân cho biết, nguyên tắc triển khai các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 là hỗ trợ những người bị ảnh hưởng sâu, bị mất việc, giãn việc, thu nhập không bảo đảm mức sống tối thiểu. Như vậy, người lao động thuộc diện được hỗ trợ phải có mức sống dưới mức chuẩn nghèo, cận nghèo, chứ không phải tất cả người lao động mất việc, giảm thu nhập đều được hỗ trợ.

Với nhóm lao động tự do, ngoài việc không bảo đảm mức sống tối thiểu, những người thuộc diện được đề nghị hỗ trợ phải cư trú hợp pháp tại các địa phương. Nếu họ đề nghị được hỗ trợ tại nơi tạm trú, thì nơi thường trú phải có xác nhận và ngược lại, để tránh việc trục lợi chính sách. Người được ưu tiên hỗ trợ là người làm công việc thu gom rác, phế liệu, xe ôm, bốc vác, bán vé số, làm việc tại các hộ kinh doanh lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe.

Đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo tính theo danh sách đến 31-12-2019 theo chuẩn nghèo của các tỉnh, thành phố. Nhóm đối tượng người có công tính theo danh sách hưởng trợ cấp của tháng 4-2020. Nhóm đối tượng bảo trợ xã hội cũng tính theo danh sách hưởng trợ cấp của tháng 4-2020, nhưng chỉ áp dụng cho các đối tượng sống ngoài cộng đồng, không bao gồm các đối tượng đang được nuôi dưỡng thường xuyên tại các trung tâm bảo trợ xã hội…

Trong trường hợp một người thuộc nhiều nhóm đối tượng thụ hưởng, thì mỗi người chỉ được nhận một chính sách cao nhất. Hình thức hỗ trợ chủ yếu tiền mặt, do các cơ quan chức năng chi trả trực tiếp cho người bị ảnh hưởng hoặc qua thẻ tài khoản cá nhân (ATM); hạn chế chi trả qua khâu trung gian để bảo đảm chính sách hỗ trợ đến với đối tượng thụ hưởng.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai các chính sách hỗ trợ người dân bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng chính sách. 

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan chức năng làm tốt công tác giám sát từ việc rà soát, lập danh sách đến quá trình hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng; đồng thời sẽ thành lập trang điện tử, nhóm chuyên nghiên cứu, giải đáp chính sách nhanh để hỗ trợ kịp thời mọi vướng mắc của các địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải đáp chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.