(HNM) - Hệ thống kênh rạch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang bị lấn chiếm, dòng chảy tắc nghẽn và ô nhiễm ở mức báo động. Hàng trăm triệu USD thuộc các dự án cải tạo môi trường và nâng cấp đô thị do quốc tế hỗ trợ đã được triển khai nhằm cứu vãn môi trường
Hàng ngàn hộ dân vẫn phải sống tạm bợ trong những khu nhà ổ chuột trên dòng ô nhiễm Tân Hóa - Lò Gốm. |
Giải cứu "môi trường chết" cho 4 quận, huyện
Dòng kênh Tân Hóa - Lò Gốm được mở từ hơn 30 năm trước với mục đích đưa nước về đồng ruộng và làm giao thông đường thủy. Thế nhưng 10 năm trở lại đây con kênh này đã bị ô nhiễm nặng nề, đe dọa trực tiếp môi trường sống của gần 1 triệu dân thuộc 4 quận (6, 11, Tân Bình và Tân Phú) sống dọc kênh. Rác sinh hoạt, rác công nghiệp cùng chất thải ô nhiễm được xả thẳng từ các nhà máy, xí nghiệp đang đầu độc người dân. Chưa kể các loại dịch bệnh truyền nhiễm ở thời điểm giao mùa.
Theo kết quả nghiên cứu của Chi cục Bảo vệ môi trường, kênh Tân Hóa - Lò Gốm, chỉ số ô nhiễm BOD cao gấp 2,6 lần lúc nước lớn, 3,6 lần lúc nước ròng. Ô nhiễm vi sinh vượt quy chuẩn tới 2.300 lần, Coliform tăng từ 30,7 tới 477 lần… Trong đợt giám sát mới đây của Đoàn HĐND TP, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng cho rằng nếu không nhanh chóng triển khai hạng mục cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm, TP sẽ có thêm dòng kênh ô nhiễm không thua kém kênh đen Ba Bò, quận Thủ Đức.
Sau nhiều năm chờ đợi, mới đây Ngân hàng thế giới (WB) đã đồng ý bổ sung thêm vốn vay 128,8 triệu USD cho riêng dự án thành phần này và sẽ được chủ đầu tư Ban quản lý Dự án nâng cấp đô thị TP Hồ Chí Minh khởi công đầu năm 2011. Theo ông Nguyễn Hoàng Nhân, Giám đốc BQLDA, đến cuối năm 2014, sau khi thực hiện xong dự án thành phần số 4 "Cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm". Tuy nhiên, nước thải sinh hoạt từ hàng trăm ngàn hộ dân sẽ vẫn tiếp tục được thải thẳng ra kênh do không có nhà máy xử lý. Muốn xử lý ô nhiễm kênh Tân Hóa - Lò Gốm đồng bộ và triệt để, cần có thêm khoảng 300 triệu USD để xây nhà máy xử lý nước thải tại vị trí xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh. Hiện thành phố đã đề xuất Chính phủ đàm phán với WB thêm nguồn tài trợ cho nhà máy xử lý nước thải này.
Rạch Xuyên Tâm cứu "rốn lũ" Bình Thạnh
Một dự án trọng điểm khác cũng đang được khởi động là dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm. Với quy mô triển khai chống ngập và cải tạo môi trường cho TP ở lưu vực rộng khoảng 350ha với các khu vực ven rạch Xuyên Tâm, Cầu Sơn, Cầu Bông và Văn Thánh (thuộc quận Bình Thạnh và một phần quận 1, Phú Nhuận và Gò Vấp). Sau nhiều lần thay đổi chủ đầu tư, một đơn vị trong nước là Công ty CP Hà Nội Ngàn Năm cũng đã xúc tiến các thủ tục để được thực hiện. Hiện tại đơn vị này cùng đại diện các địa phương đã họp bàn về việc đền bù giải phóng mặt bằng để đưa ra các phương án cụ thể cho dự án có quy mô lớn nhưng trì trệ kéo dài suốt 9 năm qua.
Rạch Xuyên Tâm dài 6,1km, chảy qua địa bàn phường 11, 12, 13 và 26, quận Bình Thạnh nhưng do người dân sống hai bên kênh rạch đều xả thẳng nước, rác thải sinh hoạt và sản xuất ra rạch gây nên hiện tượng tắc nghẽn ở vị trí các cửa cống, cũng như trên bề mặt rạch. Đây chính là một trong những nguyên nhân gây nên hiện tượng triều cường trên diện rộng tại Bình Thạnh.
Khúc mắc lớn nhất là muốn cải tạo con rạch này và thực hiện kế hoạch chỉnh trang đô thị dọc hai bờ, quận phải giải tỏa 895 hộ. Đa phần các hộ này sẽ bị giải tỏa trắng và bố trí tái định cư bằng các dự án chung cư trên địa bàn quận. Tuy nhiên để tìm được tiếng nói chung giữa nhà đầu tư và người dân trong thỏa thuận đền bù giải phóng mặt bằng không dễ chút nào. Vì kinh phí đền bù khá lớn, quỹ đất dành cho tái định cư thì không dễ kiếm. Đó là lý do chính làm cho dự án trì trệ kéo dài nhiều năm nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.