(HNM) - Có một thực trạng đang diễn ra tại Hà Nội là còn nhiều sông, tuyến kênh, mương lộ thiên đang bị ô nhiễm nặng nề. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân cũng như môi trường, cảnh quan chung của Hà Nội. Đáng nói, dù các cơ quan chức năng, địa phương đã có các nỗ lực "giải cứu" như khơi thông, nạo vét, cải tạo dòng chảy, thu gom rác... nhưng tình trạng này vẫn chưa được cải thiện.
Người dân khốn khổ
Mương Kẻ Khế đoạn từ ngõ 294 Kim Mã đến phố Giang Văn Minh (quận Ba Đình) có dòng nước luôn trong tình trạng đen xám xịt. Hai bên bờ mương là nơi tập kết của nhiều loại rác thải sinh hoạt. Bà Nguyễn Hồng Lam, người dân ngõ 294 Kim Mã, cho biết: "Do rác thải bị vứt bừa bãi, lâu dần rơi xuống con mương kết thành từng mảng trôi trên dòng nước, xung quanh là côn trùng, ruồi muỗi dày đặc. Chúng tôi sống bên cạnh con mương này bao năm nay đã quá khổ rồi".
Theo quan sát của phóng viên Báo Hànộimới ngày 2-6, mương Kẻ Khế có chiều dài khoảng 1,7km chạy qua địa bàn 2 phường Đội Cấn và Kim Mã (quận Ba Đình), nằm trong dự án cống hóa kết hợp làm đường Núi Trúc - Sơn Tây, đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt từ năm 2008. Tuy nhiên, cho đến nay, dự án vẫn thi công dở dang, con mương vẫn ngổn ngang vật liệu xây dựng và rác thải do các hộ dân tập kết.
Một con mương lộ thiên ô nhiễm nữa là đoạn mương thoát nước thải ở ngõ 115 Trần Cung (quận Bắc Từ Liêm). Theo quan sát, nguồn nước trong mương đã gần cạn, chỉ còn lại những dòng nước đen bị bao vây bởi những váng bẩn màu xanh, vàng, xen kẽ với rác thải. Tương tự, một "điểm đen" về ô nhiễm là đoạn mương lộ thiên trên phố Mạc Thái Tổ (quận Cầu Giấy)...
Lớn hơn, sông Cầu Bây (quận Long Biên) dài khoảng 2,38km, bắt đầu từ khu đô thị Vinhomes Riverside đến nút giao đường Nguyễn Văn Linh cũng rơi vào tình trạng dòng chảy có nhiều bèo rác, nước sông đen kịt, có mùi hôi thối. Theo ông Nguyễn Xuân Hoa, người dân sống tại đường Nguyễn Văn Linh, lòng sông Cầu Bây đang bị thu hẹp dần, nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm. Đặc biệt, về mùa cạn, nước sông chuyển thành màu đen, cá chết nổi trên mặt sông, bốc mùi hôi thối.
Tìm cách xử lý nguồn nước thải
Trước thực trạng trên, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp trước mắt "giải cứu" các kênh, mương và dòng sông bị ô nhiễm. Giám đốc Xí nghiệp thoát nước số 1 (Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội) Hoàng Thế Hùng cho biết, mương Kẻ Khế bị ô nhiễm là do tiến độ thực hiện dự án cống hóa kết hợp làm đường Núi Trúc - Sơn Tây bị chậm. Để bảo đảm vệ sinh môi trường cho khu vực này, xí nghiệp đã duy trì vệ sinh hằng ngày bằng việc vét bùn đáy mương, vớt rác, thu gom và vận chuyển rác thải ra khỏi khu vực.
Về lâu dài, theo ông Hoàng Thế Hùng, chính quyền địa phương, các đơn vị chức năng cần tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, không đổ rác bừa bãi; yêu cầu các nhà hàng, khách sạn, cơ sở sửa chữa ô tô, xe máy, cửa hàng xăng dầu... lắp đặt thiết bị tách dầu mỡ trước khi thải nước vào hệ thống thoát nước.
Căn cơ hơn, như tại khu vực sông Cầu Bây, theo Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Long Biên Vũ Phương Đông, quận đã đề xuất UBND thành phố Hà Nội đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng Trạm xử lý nước thải sinh hoạt An Lạc (phường Cự Khối) và Phúc Đồng trên địa bàn quận Long Biên. Bên cạnh đó, trong quý I-2022, UBND quận Long Biên đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với Công an quận tiến hành rà soát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước đối với một số cơ sở sản xuất công nghiệp có xả nước thải ra hệ thống sông Cầu Bây. Xa hơn, thành phố đã phê duyệt chủ trương Dự án nạo vét sông Cầu Bây, đoạn qua địa bàn quận Long Biên, dự kiến khởi công vào tháng 12-2022 và hoàn thành trong quý I-2023.
Cũng tại quận Long Biên, trong năm 2022, UBND quận cho biết, sẽ tiếp tục rà soát các họng xả nước thải sinh hoạt từ các khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn để đánh giá mức độ ô nhiễm; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân áp dụng các biện pháp thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tại hộ gia đình.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trong khi năng lực xử lý hạn chế, lượng nước thải từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt hằng ngày tại Thủ đô lên đến khoảng 300.000 tấn, là tác nhân chính gây nên ô nhiễm môi trường nước trên địa bàn thành phố. Do đó, Hà Nội vẫn cần những giải pháp dài hơi để cứu sông, mương, kênh.
Các chuyên gia môi trường cũng cho rằng, chính quyền địa phương cần quản lý chặt chẽ quá trình phát triển đô thị, nghiêm cấm xây dựng với các công trình không có hệ thống xử lý nước thải đầu nguồn đạt tiêu chuẩn. Bởi nhiều sông, hồ, kênh, mương ở Hà Nội ô nhiễm là do nguồn nước thải đổ thẳng vào... Việc cần làm ngay là phải quyết tâm xử lý được nguồn nước thải, khi đó mới có thể "giải cứu" được những kênh, mương, sông ô nhiễm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.