Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải cứu doanh nghiệp

Minh Nguyên| 14/03/2012 06:40

(HNM) - Hơn 50.000 doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, trong đó không ít doanh nghiệp giải thể, phá sản và tình trạng này được dự báo là sẽ còn tiếp tục diễn ra trong thời gian tới. Đằng sau sự thua lỗ, phá sản là gì? Câu hỏi đặt ra không chỉ với đội ngũ doanh nhân, các doanh nghiệp mà còn cả với các nhà hoạch định chính sách.


Nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ của hàng loạt doanh nghiệp có thể kể ra rất nhiều, từ những tác động khách quan của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đến các vấn đề trong điều hành nền kinh tế và cả nguyên nhân chủ quan từ những yếu kém của mỗi doanh nghiệp.

Là một nước sản xuất nhỏ, đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ về chiều rộng, về số lượng nhưng không đi liền vào chất lượng, nên tỷ lệ đầu tư cho công nghệ thấp, công nghệ lạc hậu. Nhận thức về quản trị doanh nghiệp của không ít doanh nhân chưa thoát khỏi tư duy "hàng xén", thường chạy theo lợi ích trước mắt, nặng về giá cả mà không mấy quan tâm đến phát triển thị trường… Do vậy, doanh nghiệp nước nhà không đủ sức mạnh để cạnh tranh và rất dễ đổ vỡ trước những biến động bất thường, đặc biệt từ thị trường tài chính.

Vốn kinh doanh trông cậy phần lớn vào ngân hàng, không ít doanh nghiệp buộc phải lao vào vòng xoáy của lãi suất. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, lợi nhuận của các doanh nghiệp thường khoảng từ 10% đến 15%. Như vậy, nếu doanh nghiệp hoạt động chủ yếu dựa vào tiền vay, phải gánh lãi suất như thời gian vừa qua khoảng trên 20% thì lợi nhuận rơi vào túi ngân hàng thay vì doanh nghiệp cũng không có gì lạ. Trong bối cảnh không ít doanh nghiệp phá sản vì nợ nần, vì thiếu vốn, nhiều ngân hàng cũng rơi vào vòng xoáy kim tiền. Tỷ lệ nợ xấu vẫn là cả vấn đề, tính thanh khoản chưa ổn định, thế nên dù lạm phát đã được kiềm chế trong những tháng vừa qua, các ngân hàng vẫn chưa thể mở rộng hầu bao. Không "mang nổi mình ốc", làm sao có thể "vác cọc cho rêu"?

"Với tình hình hiện nay, doanh nghiệp là đối tượng chịu hệ lụy trực tiếp và đối tượng thứ hai chính là ngân hàng. Ngân hàng là định chế trung gian, doanh nghiệp vay vốn, nếu làm ăn tốt vốn nợ sẽ được thanh khoản. Ngược lại làm ăn thua lỗ, không đủ điều kiện hoàn vốn, ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp và khả năng đổ vỡ là điều dễ thấy" - Nhận định này rất đáng để suy nghĩ. Không thể không toan tính vượt qua vòng xoáy luẩn quẩn kéo theo những hệ lụy dây chuyền.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hạ ngay lãi suất ngân hàng và việc làm này được Ngân hàng Nhà nước khẩn trương có kế hoạch triển khai thực hiện là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh việc hạ lãi suất, cần có những cơ chế để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn. Và doanh nghiệp cũng cần thay đổi cung cách làm ăn, tự tái cơ cấu chính mình để đủ sức trụ vững trước sóng gió. Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh không chỉ cần có hệ thống luật rõ ràng, minh bạch, bình đẳng, công khai… mà còn cần tới sự vào cuộc của cả cộng đồng. Ngân hàng thương mại hoạt động theo cơ chế thị trường, tự hạch toán nên không thể dùng mệnh lệnh của chính quyền. Vì vậy, cơ chế điều hành tổng thể vĩ mô là rất cần thiết, phụ thuộc vào "cây gậy của nhạc trưởng tài ba".

Mỗi doanh nghiệp phá sản, Nhà nước mất một nguồn thu, người lao động bị nợ lương, nợ bảo hiểm... Giải cứu doanh nghiệp, tái cơ cấu ngân hàng là vấn đề cấp bách, rất khó nhưng không thể không làm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải cứu doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.