(HNM) - Lễ ký nhiều thỏa thuận về nghiên cứu tế bào gốc (TBG) vừa diễn ra tại Khu công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc cho thấy quyết tâm không chỉ từ phía các nhà khoa học Việt Nam mà của cả cơ quan quản lý nhà nước trong việc đưa công nghệ này phát triển lên tầm cao mới.
Ứng dụng rộng rãi
Sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên (thuộc ĐH Quốc gia - TP Hồ Chí Minh) nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc tại phòng thí nghiệm. Ảnh: Phương Vy – TTXVN
Chỉ cần nhìn sang các quốc gia xung quanh đã có thể thấy sự đầu tư lớn, bài bản cho công nghệ TBG. Cụ thể, Singapore dành hơn 600 triệu USD để xây dựng trung tâm nghiên cứu TBG, chủ yếu phục vụ cho chữa trị bệnh đái tháo đường. Quốc gia này cũng thu hút rất nhiều bệnh nhân mắc các bệnh nan y đến chữa trị bằng công nghệ TBG. Trung Quốc mới đây cũng đầu tư xây dựng một bệnh viện quốc tế chuyên dùng TBG để chữa bệnh tại tỉnh Giang Tô. Tại đây cũng đang xây dựng ngân hàng TBG được cho là lớn nhất thế giới. Các quốc gia như Thái Lan, Indonesia... cũng đã và đang đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ đầy tiềm năng này.
Còn tại Việt Nam, 30 năm sau khi thế giới loan báo tìm ra TBG, những nghiên cứu đầu tiên mới được bắt đầu. Đến nay, không dưới 10 nhóm nghiên cứu về TBG đang làm việc rải rác tại các bệnh viện và phòng thí nghiệm. Việt Nam hiện có hàng chục đơn vị với nhiều nhà khoa học chuyên nghiên cứu và ứng dụng công nghệ TBG ở người và động vật như Viện Bỏng quốc gia, Học viện Quân y, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, ĐH Quốc gia Hà Nội, Viện Công nghệ sinh học, ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh, Viện Huyết học - Truyền máu trung ương, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Viện Quân y 103... Năm 1995, ca ghép tủy xương đầu tiên ở Việt Nam đã được thực hiện cho một bệnh nhân ở Đồng Nai bị ung thư bạch cầu mạn dòng tủy. Sau 16 năm, bệnh nhân này vẫn khỏe mạnh, đã lấy vợ và có hai con.
TS. Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương cho biết, TBG đang được nghiên cứu sử dụng để điều trị các bệnh khiếm khuyết chức năng miễn dịch di truyền, ung thư, tổn thương hệ thần kinh, tắc nghẽn động mạch, các bệnh xã hội hiểm nghèo như đái tháo đường, Parkinson, Alzheimer. TBG cũng là nguyên liệu để chế tạo các bộ phận hỗ trợ chức năng từ nguyên liệu sinh học như đồng hồ hỗ trợ nhịp tim, dụng cụ cho người khiếm thính, vật liệu thẩm mỹ. Những ưu việt của công nghệ này trong việc điều trị những bệnh nan y đã được thế giới ghi nhận. TS. Tiến cho biết thêm, hiện hằng năm Việt Nam "chảy máu" hàng chục triệu USD do bệnh nhân ra nước ngoài điều trị bệnh bằng công nghệ TBG. Cho nên, phát triển công nghệ TBG sẽ giải quyết được nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội.
Cần có đề án quốc gia
TS. Bùi Xuân Nguyên, Trưởng phòng Công nghệ phôi, Viện Khoa học và Công nghệ (KHCN) Việt Nam cho biết, nếu so sánh tiềm lực KHCN về lĩnh vực công nghệ TBG thì Việt Nam không hề thua kém thế giới. Song đến nay, do thiếu đầu tư bài bản cũng như định hướng nghiên cứu rõ ràng nên những kết quả đạt được còn khá khiêm tốn.
Vì thế, sự kiện được rất nhiều nhà khoa học về công nghệ TBG quan tâm và đặt kỳ vọng là lễ ký kết bản ghi nhớ phát triển công nghệ TBG tại Khu CNC Hòa Lạc ngày 3-8. Lãnh đạo Khu CNC Hòa Lạc (Bộ KHCN) và Bệnh viện Phụ sản trung ương (Bộ Y tế) cam kết hợp tác lâu dài để phát triển lĩnh vực này. Cùng với đó là lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa Phòng Công nghệ phôi, Viện Công nghệ sinh học (Viện KHCN Việt Nam), Trung tâm Nano sinh học (Pháp) và Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp CNC (Khu CNC Hòa Lạc). Theo đó, một loạt các kế hoạch xây dựng, phát triển công nghệ TBG tại Khu CNC Hòa Lạc đã được đặt ra như tổ chức trao đổi học thuật, cập nhật và chuyển giao công nghệ với các đối tác trong khu vực và thế giới; sản xuất các dòng tế bào chức năng, các vật liệu từ TBG phục vụ công tác nghiên cứu và điều trị tại Việt Nam; tổ chức ngân hàng TBG (trưởng thành, phôi), vật liệu TBG phục vụ công tác nghiên cứu và điều trị. Đặc biệt, trong tương lai gần, Trung tâm quốc gia về đào tạo chuyên gia và hỗ trợ phát triển công nghệ TBG sẽ được xây dựng.
TS. Nguyễn Văn Lạng, Thứ trưởng Bộ KHCN, Trưởng ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc khẳng định: Công nghệ TBG là lĩnh vực được ưu tiên trong kế hoạch phát triển KHCN của Việt Nam. Trung tâm TBG Hòa Lạc đang được triển khai, dự kiến đến năm 2020 sẽ có hoạt động nghiên cứu chuyên sâu, hướng tới tự sản xuất các dòng tế bào phục vụ nghiên cứu và điều trị. Hiện ĐH Công nghệ Hà Nội cũng có kế hoạch phát triển thêm khoa TBG để đào tạo nhân lực đón đầu cho lĩnh vực công nghệ cao này.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ KHCN cũng như Bộ Y tế đều nhất trí rằng, để có một ngành khoa học về TBG đủ mạnh cần có một đề án quốc gia. Khi đó, các nhà khoa học sẽ không còn phải tự mày mò nghiên cứu với khoản kinh phí eo hẹp nữa. Đồng thời điều đó cũng mang lại hy vọng cho hàng nghìn bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.