(HNM) - Sau khi hết hạn hợp đồng xuất khẩu lao động (XKLĐ), trở về nước, hàng nghìn lao động xuất khẩu (LĐXK) lại rơi vào tình cảnh thất nghiệp.
Để kết nối cung - cầu lao động, phát huy khả năng tay nghề cao, đã được rèn giũa ở nước ngoài, Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) đã phối hợp với trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh thành phố trong cả nước tổ chức các phiên tuyển dụng trực tiếp dành cho đối tượng này, đặc biệt là những lao động thực hiện tốt chính sách và pháp luật lao động.
Người lao động tham gia phỏng vấn trực tiếp tại phiên giao dịch việc làm dành cho người lao động đi xuất khẩu lao động về nước. |
Thiếu sự kết nối cung - cầu
Có một nghịch lý xảy ra là nhiều LĐ sau khi hết hợp đồng làm việc tại nước ngoài trở về nước không tìm được việc làm phù hợp, dù được đào tạo và có kỹ năng nghề cao. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước lại đang thiếu hụt LĐ có tay nghề, trình độ cao. Nhiều LĐ khi trở về nước cho biết, họ có rất ít thông tin về nhu cầu của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Để kiếm sống, họ thường kinh doanh nhỏ lẻ hoặc làm tạm thời tại một DN trong nước với mức lương không tương xứng với trình độ.
Trường hợp anh Đồng Văn Quang (tỉnh Yên Bái) là một ví dụ. Khi làm công nhân xây dựng ở Hàn Quốc, anh có mức lương 2.000 USD/tháng. Dù có nhiều kinh nghiệm nhưng về nước đã một năm mà không thể tìm được việc làm. Sau khi được một nhà tuyển dụng ở Hà Nội ngỏ ý mời về làm việc với mức lương 12 triệu đồng/tháng, anh Quang đã chấp nhận đưa vợ con ở quê về Hà Nội thuê nhà ở, bởi nếu tiếp tục thất nghiệp ở quê, cuộc sống của gia đình còn mịt mờ hơn. Hoặc trường hợp chị Nguyễn Thị Việt Hà (huyện Chương Mỹ - Hà Nội), sau khi trở về từ Hàn Quốc, chấp nhận làm phiên dịch tiếng Hàn cho một công ty may của Hàn Quốc ở huyện Thạch Thất với mức lương khoảng 500 USD/tháng, quá thấp so với làm việc ở Hàn Quốc, nhưng đành vừa làm vừa nghe ngóng thông tin tìm việc ở DN khác có lương cao hơn. Và, phải 3 năm sau chị mới trúng tuyển vào một công ty Hàn Quốc đáp ứng đúng nguyện vọng.
Điều này cho thấy các kênh kết nối cung cầu trong nước vẫn chưa thành hệ thống, hoạt động hiệu quả. Việt Nam cũng chưa có chính sách cụ thể cho LĐXK khi trở về quê hương để tận dụng kỹ năng, kinh nghiệm đã được đào tạo tại nước ngoài. Hiện trong Luật Đưa người LĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chỉ quy định chung trong Điều 59 và 60 là khuyến khích các DN tiếp nhận tuyển dụng LĐ về nước vào làm việc và khuyến khích tạo việc làm. Nhiều tỉnh, thành phố chưa có thống kê chính thức LĐ đã trở về nước là bao nhiêu, cũng chưa có văn bản hiện thực hóa các chính sách hỗ trợ với nhóm LĐ này. Phần lớn NLĐ tự mày mò tìm việc. Rõ ràng đây là sự lãng phí rất lớn về nhân lực chất lượng cao.
Và cơ hội mở ra
Vài năm trở lại đây, Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) kết hợp với các Trung tâm Dịch vụ việc làm (TTDVVL) tổ chức phiên tuyển dụng chuyên đề cho LĐ đã từng làm việc tại nước ngoài với mong muốn LĐ tìm đúng việc DN cần. Riêng Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức 4 phiên dành riêng cho LĐ trở về từ Hàn Quốc, phỏng vấn trực tiếp gần 4.000 LĐ.
Ông Đỗ Đình Lâu, Phó Giám đốc Công ty Transon Việt Nam đánh giá rất cao ý thức, tay nghề của NLĐ từng làm việc ở Hàn Quốc. Theo ông Lâu, Công ty luôn có nhu cầu tuyển dụng đến 1.000 công nhân có tay nghề với mức lương lên tới 500 USD/người; LĐ ở vị trí quản lý, phiên dịch dao động từ 500 USD đến 2.000 USD/tháng. TTDVVL Bắc Ninh cũng tổ chức 4 phiên chuyên đề với sự tham dự của gần 100 DN FDI và đã có 2.000 NLĐ được tuyển dụng trực tiếp. TTDVVL các tỉnh khác như Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa... cũng tổ chức các phiên tuyển dụng chuyên đề nhằm kết nối LĐ với DN FDI. Như vậy, hàng chục nghìn LĐ có cơ hội tìm việc làm sau khi trở về nước.
Trước đó, từ năm 2012, Bộ LĐ -TB&XH đã phối hợp cùng Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc tổ chức khai giảng khóa đào tạo nghề, khởi nghiệp miễn phí cho NLĐ Việt Nam đã hoàn thành hợp đồng tại nước này về nước đúng hạn. NLĐ có cơ hội được làm việc tại các DN Hàn Quốc tại Việt Nam với những vị trí như quản lý sản xuất, phiên dịch, nhân viên văn phòng.
Ngoài ra, Bộ LĐ - TB&XH phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI, các tỉnh, thành phố hỗ trợ NLĐ và DN ở mức tốt nhất. Tỉnh Hà Tĩnh ưu tiên phát triển mạng lưới thông tin thị trường LĐ trên địa bàn với NLĐ trở về. Bên cạnh đó, tỉnh Hà Tĩnh cũng đang tích cực triển khai đàm phán thu hút đầu tư nước ngoài, cụ thể là đang tiếp nhận vốn đầu tư của Đài Loan và Hàn Quốc xây dựng 2 khu công nghiệp trên địa bàn, giải quyết việc làm cho LĐ trẻ trong tỉnh và số lao động di cư trở về. Các chuyên gia LĐ cho biết bất cập lớn nhất của Việt Nam là chưa có kho dữ liệu thông tin về LĐ đi xuất khẩu trở về để khớp nối với nhu cầu tuyển dụng trong nước. Do đó, việc tăng cường kết nối thông tin thị trường LĐ là vô cùng quan trọng để bảo đảm việc làm cho LĐ khi trở về. Được biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tham gia quản lý dữ liệu và kết nối hồ sơ nghề nghiệp của LĐ với mạng lưới các DN nhằm tạo việc làm mới phù hợp với tay nghề, kỹ năng, nguyện vọng khi trở về nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.