Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải “bài toán” thiếu sân chơi cho trẻ: Cần sự quyết tâm, đồng lòng

Khánh Linh| 17/05/2022 05:27

(HNNN) - Hà Nội “đất chật, người đông” nên mỗi khi kỳ nghỉ hè đến gần, việc tìm không gian để trẻ vui chơi lại trở nên bức thiết. Vài năm qua, dù có nhiều doanh nghiệp, hội nhóm, đoàn thể ra sức xây dựng thêm nhiều khu vui chơi cho trẻ em song cũng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ so với nhu cầu vui chơi của trẻ. Trong một xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu vui chơi giải trí của trẻ em ngày càng cao, đã đến lúc số lượng và chất lượng các loại hình sân chơi cần được nâng lên để đó không chỉ là không gian vui chơi an toàn mà còn là nơi trẻ em được thỏa sức sáng tạo, phát triển toàn diện.

Không cần những trang thiết bị đắt tiền, chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra những sân chơi cho trẻ nếu thật sự quyết tâm.

Những tín hiệu vui

Trước thực trạng thiếu không gian vui chơi cho trẻ em, năm 2014, doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds đã xây dựng sân chơi đầu tiên bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Sau gần 10 năm hoạt động, Think Playgrounds đã xây dựng được gần 200 sân chơi cho trẻ em tại Hà Nội và nhiều địa phương khác. Ngoài những sân chơi được tạo dựng mới, Think Playgrounds còn tham gia “hồi sinh” sân chơi trong các khu dân cư cũ. Đồng hành cùng Think Playgrounds, Tổ chức Plan International tại Việt Nam cũng cùng với cộng đồng xây dựng những sân chơi an toàn và thân thiện cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái từ năm 2017, trong khuôn khổ dự án “Thành phố an toàn và thân thiện với em gái”.

Bà Lê Quỳnh Lan, Quản lý chương trình và quan hệ đối tác, Tổ chức Plan International Việt Nam, chia sẻ: “Sau hơn 4 năm, mô hình này đã nhận được sự ủng hộ và tham gia của chính quyền, người dân địa phương bởi nó đáp ứng được nhu cầu của các em và là công trình do chính người dân tham gia thực hiện từ khâu khảo sát, lựa chọn địa điểm, thiết kế đến xây dựng. Kinh phí cho mỗi sân chơi không lớn và đều huy động được sự tham gia của cộng đồng. Ví dụ, các em trai em gái cùng nhau dọn dẹp vệ sinh, góp ý về thiết kế; người dân đóng góp kinh phí, nguyên vật liệu, cùng dọn dẹp mặt bằng; chính quyền tạo điều kiện về địa điểm... Có thể nói, các sân chơi này là sản phẩm của chính người dân địa phương và trẻ em”.

Để từng bước giải bài toán “khát” sân chơi cho trẻ nhỏ, các cấp hội, đoàn thể tại Hà Nội cũng chung tay xây dựng những điểm vui chơi bổ ích. Từ năm 2012, Thành đoàn Hà Nội đã phát động và triển khai đề án “Tuổi trẻ Thủ đô chung tay xây dựng sân chơi cho thiếu nhi các huyện, thị xã ngoại thành”. Bên cạnh đó, Thành đoàn còn duy trì các hình thức tổ chức sinh hoạt hè của đoàn thanh niên các địa phương với mục tiêu tập hợp đông đảo các em thiếu nhi tham gia sinh hoạt vào các buổi tối, góp phần tạo sân chơi lành mạnh, thiết thực, bổ ích cho thiếu nhi.

Chị Nguyễn Thị Phương Dung, Bí thư Quận đoàn Tây Hồ chia sẻ: “Quận Tây Hồ nằm trong khu vực đông dân cư nên khó khăn nhất là khâu tìm kiếm mặt bằng, bởi quỹ đất dành cho sân chơi rất ít. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của các đoàn viên, thanh niên và sự quan tâm của chính quyền địa phương nên từ đầu năm đến nay, Quận đoàn đã triển khai thêm sân chơi mới tại phường Bưởi, phường An Dương và một sân chơi ở huyện Ứng Hòa. Đặc biệt, trên địa bàn quận có phố đi bộ Trịnh Công Sơn, nên Quận đoàn Tây Hồ còn triển khai tổ chức sân chơi cuối tuần cho các bạn nhỏ với mục đích mang lại cho các em không gian vui chơi hấp dẫn. Quận đoàn còn duy trì mô hình sinh hoạt hè tại các phường. Mỗi phường đều có một Ban chỉ đạo hè với các chương trình sinh hoạt hè hấp dẫn như cắm trại, thi kể chuyện, Liên hoan ca khúc măng non, múa hát tập thể...”.

Tuy nhiên, số sân chơi hiện có chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu và sức hút chưa cao. Các khu vui chơi mang tính thương mại tuy phong phú về trò chơi nhưng thu phí khá cao nên không phải gia đình nào cũng có điều kiện đưa con em đến. Còn tại các khu vui chơi công cộng hay sân chơi trong khu dân cư, các trang thiết bị cho trẻ chơi còn nghèo nàn, kém hấp dẫn, thậm chí hư hỏng mà chưa được thay mới. Đặc biệt, nhiều sân chơi cho trẻ còn bị lấn chiếm để phục vụ mục đích cá nhân. Tại một số khu tập thể cũ như Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng), Phương Mai (quận Đống Đa), Ngọc Khánh (quận Ba Đình), Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm)..., các khoảng lưu không giữa các dãy nhà trước đây được dành cho trẻ em, người dân vui chơi, nhưng từ lâu đã bị “lấp đầy” bởi các điểm trông giữ xe, bán hàng, “chợ cóc”... Tại nội thành đã vậy, ở ngoại thành càng khó tìm thấy sân chơi đúng nghĩa dành riêng cho trẻ em.

Cần quỹ đất và quyết tâm cao

Bà Lê Quỳnh Lan, Quản lý chương trình và quan hệ đối tác, Tổ chức Plan International Việt Nam, khẳng định: Trong những năm gần đây, chính quyền địa phương tại Hà Nội đã cùng với người dân nỗ lực tìm cách để có thêm nhiều sân chơi ngoài trời cho trẻ em, nhưng vấn đề không đơn giản. Nhiều sân chơi bị người lớn chiếm dụng nên trẻ em không thể tiếp cận được; sân chơi bị hàng quán lấn chiếm; sân chơi không đảm bảo an toàn cho các em như thiếu ánh sáng, quá gần đường giao thông mà không có rào chắn; sân chơi ở xa khu dân cư, dẫn đến nguy cơ trẻ bị quấy rối, bắt nạt, bị xâm hại; thiết kế của sân chơi có thể không phù hợp và chưa đáp ứng được cho các em ở độ tuổi khác nhau; sân chơi thiếu thùng rác và nhà vệ sinh khiến cho các em không thoải mái khi vui chơi ở đó...

Đặc biệt, nhiều sân chơi không đáp ứng được nhu cầu đa dạng của các nhóm yếu thế (trẻ em gái, trẻ em khuyết tật...). Thêm vào đó, không gian vui chơi tại Hà Nội hiện chưa tính đến phương án bảo đảm thân thiện để cả trẻ trai, trẻ gái có thể sử dụng cùng nhau mà không phải lo lắng do có sự khác biệt về giới. Thực tế ở các sân chơi cho thấy, người lớn và các em trai chiếm phần nhiều, trẻ em gái muốn chơi nhưng có thể ngại ngần bởi có rất ít chỗ chơi phù hợp khi góc thì người lớn đánh bóng chuyền, góc thì các em nam đá bóng, đá cầu... Nói là điểm vui chơi chung nhưng thực sự trẻ em gái có tiếp cận được hay không lại là vấn đề khác.

Tình trạng thiếu sân chơi, địa điểm vui chơi dành cho trẻ em có nguyên nhân chủ yếu từ công tác quy hoạch còn hạn chế; việc đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, giải trí cho trẻ em chủ yếu tập trung ở đô thị và các khu vực trung tâm, nơi tập trung đông dân cư. Bên cạnh đó, kinh phí đầu tư cho các công trình vui chơi giải trí dành cho trẻ em còn ít so với nhu cầu, thiếu các quy định về phân bổ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, tổ chức hoạt động vui chơi văn hóa cho trẻ em.

Đặc biệt, khó khăn lớn nhất trong công tác quy hoạch, xây dựng thêm sân chơi công cộng là quỹ đất hạn chế. Việc di dời các cơ quan, đơn vị đang sử dụng đất tại các khu đất xen kẽ, giáp ranh khu dân cư vào mục đích sản xuất, kinh doanh để bổ sung quỹ đất xây dựng thiết chế văn hóa còn quá chậm. Theo ông Trần Văn Lợi, Trưởng phòng Văn hóa huyện Thanh Oai, mỗi xã, thôn nên có một sân chơi dành riêng cho trẻ em thì mới có thể đáp ứng tốt nhu cầu vui chơi giải trí của trẻ. Chứ như hiện nay, chỉ có sân chơi đúng nghĩa dành cho trẻ em ở khu trung tâm huyện thì không giải quyết được vấn đề, bởi trẻ em tại những thôn, xã xa trung tâm không thể tới thường xuyên.

Còn chị Lê Thùy Dương, giáo viên Trường Mầm non Tuổi Thơ (phường Hàng Buồm) cho rằng, chúng ta đang lãng phí vô cùng khi trường học, nơi có sân rộng với những hàng cây rợp bóng nhưng thường đóng cửa suốt cả mùa hè, nhất là ở những vùng quê. Bên cạnh đó, vấn đề lớn nhất vẫn nằm ở nhận thức. PGS.TS Trịnh Hòa Bình, nguyên Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội, Viện Xã hội học, chia sẻ: Để thiết kế một sân chơi an toàn cho trẻ không quá khó và cũng không quá tốn kém, nhưng do nhận thức về nhu cầu vui chơi của các em ở nhiều nơi chưa đúng nên sự đầu tư không diễn ra như ý.

Rõ ràng, để giải quyết tình trạng thiếu sân chơi cho trẻ, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cũng như của người dân. Chỉ có nhận thức đúng đắn và sự đồng lòng của cả cộng đồng thì mới mong giải quyết tận gốc nỗi lo không có chỗ chơi cho trẻ trong dịp nghỉ hè.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải “bài toán” thiếu sân chơi cho trẻ: Cần sự quyết tâm, đồng lòng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.