(HNM) - Thời gian gần đây, tình trạng nền kinh tế thiếu nhân lực đã được đề cập ở nhiều diễn đàn cũng như trên công luận. Đó là là một nghịch lý, bởi nước ta có hơn 50 triệu người trong độ tuổi lao động - tỷ lệ khá cao so với nhiều nước trên thế giới.
Thiếu lao động có trình độ cao thường được quy trách nhiệm cho hệ thống đào tạo và dạy nghề. Nhưng thiếu cả lao động phổ thông? Phải chăng, đó là hậu quả của lạm phát?
Sở dĩ xảy ra tình trạng này là do người lao động thấy lương tăng không bù được giá hàng tiêu dùng thiết yếu "leo thang" và khi đó họ cân nhắc có nên làm tiếp ở chỗ cũ, hay tìm một công việc mới có mức thu nhập cao hơn? Điều này minh chứng cho việc từ đầu năm đến nay, ở một số khu công nghiệp, khu chế xuất đã xuất hiện tình trạng người lao động đình công, ngừng việc tập thể. Nguyên nhân của tình trạng này là do tổng thu nhập tối đa của người lao động (gồm lương cơ bản cùng với các khoản phụ cấp, trợ cấp, kể cả làm thêm giờ...), chỉ 1,7-2,5 triệu đồng/tháng. Mức lương của công nhân vốn đã eo hẹp, trước áp lực giá tiêu dùng "leo thang" khiến đời sống của họ càng khó khăn hơn. Bên cạnh đó, các chủ sử dụng lao động đã yêu cầu người lao động làm thêm nhiều giờ, trái quy định của pháp luật lao động về thời gian làm việc; trong quá trình xây dựng bảng lương, tiền thưởng ở một số DN chưa công khai, minh bạch... Và đến nay, khi lâm vào cảnh thiếu lao động, nhiều DN mới nhận thấy mình chưa có chiến lược về nguồn nhân lực dài hạn. Vậy thử hỏi hiện nay có bao nhiêu DN biết rõ lương công nhân không tăng theo kịp tốc độ tăng giá các mặt hàng tiêu dùng? Bao nhiêu DN chỉ biết trả lương mà chưa quan tâm đến các nhu cầu khác của người lao động? Bao nhiêu DN chỉ coi các đoàn thể là thủ tục hành chính và nghĩa vụ, không coi đây là những kênh hữu hiệu để tăng cường sự gắn bó người lao động với DN?... Những câu hỏi này nên được các ngành chức năng và các DN sớm giải đáp kịp thời để giúp người lao động yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.