(HNM) - Tình trạng khiếu nại, tố cáo liên quan đến những vấn đề về quản lý, sử dụng đất đai ở khu vực nông thôn tiếp tục diễn biến phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu là việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được những đòi hỏi bức xúc từ thực tế của quá trình chuyển đổi đất đai.
Khiếu nại liên tiếp gia tăng
Khiếu kiện về đất đai thường xảy ra ở các địa phương đang chuyển đổi quỹ đất nông nghiệp sang phát triển công nghiệp Ảnh: Bá Hoạt
Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, giai đoạn 2003-2006, khiếu nại hành chính và tố cáo về đất đai chiếm khoảng 70% tổng lượng khiếu kiện của người dân. Đến năm 2009 tỷ lệ này là 80%, nhưng từ năm 2010 đến nay, con số này đã tăng lên tới 90%. Trong số các vụ việc khiếu kiện về đất đai của người dân, số vụ khiếu kiện về giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thường chiếm tỷ lệ cao và xảy ra ở những địa phương đang đẩy mạnh việc chuyển đổi quỹ đất nông nghiệp sang phát triển các khu công nghiệp, đô thị... Qua khảo sát tại huyện Quốc Oai (Hà Nội), ngoài 8 vụ việc chuyển tiếp từ năm cũ sang, trong năm 2010, Thanh tra huyện đã tiếp nhận 98 đơn (12 đơn khiếu nại, 11 đơn tố cáo, 75 đơn kiến nghị, phản ánh), trong đó có tới hơn 90% nội dung đơn thư liên quan đến bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, quản lý và sử dụng đất đai. Tương tự, tại huyện Thạch Thất, có tới 80%, phản ánh liên quan đến đất đai. Chánh Thanh tra huyện Thạch Thất Đỗ Thị Bích cho biết, một số vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai khó giải quyết kéo dài từ năm này sang năm khác.
Tại Hội thảo "Quản trị tốt trong lĩnh vực đất đai" do Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng, ngoài những vụ việc người dân không nắm rõ về Luật Đất đai và Luật Khiếu nại tố cáo hoặc một bộ phận dù khá am hiểu luật nhưng vẫn cố tình khiếu nại, những nguyên nhân dẫn tới tình trạng khiếu nại, tố cáo về đất đai thời gian qua tăng kể cả về số vụ và mức độ phức tạp chủ yếu do các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình giải quyết có sai sót hoặc thiếu trách nhiệm, thiếu khách quan. Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định: "Trong quản lý đất đai của Việt Nam, các quy định của pháp luật với việc triển khai thực hiện còn nhiều khoảng cách. Tính minh bạch, công khai thông tin chưa cao". Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: "Chúng ta nói giá bồi thường phải phù hợp với thị trường, nhưng điều này gần như mang tính quy định khung. Còn cụ thể làm thế nào, trình tự thủ tục nào để có giá đất khách quan theo thị trường thì pháp luật hiện chưa có bất kỳ một văn bản nào quy định…".
Đâu là giải pháp khả thi
Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo về đất đai diễn biến phức tạp, trước hết do tốc độ đô thị hóa nhanh làm tăng nhu cầu sử dụng và tăng giá đất. Trong khi đó nhận thức của người dân về sở hữu đất đai không đồng nhất với quy định của pháp luật, nhất là một bộ phận dân cư sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa... Một nguyên nhân nữa là Bộ Luật Tố tụng dân sự, Luật Khiếu nại tố cáo, Pháp lệnh về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính còn chồng chéo, mâu thuẫn, không thống nhất. Chính sách, pháp luật về đất đai chưa theo kịp cơ chế kinh tế thị trường, đặc biệt là chính sách tài chính đất đai chưa điều tiết, phân phối nhưng bất hợp lý phần giá trị tăng thêm mang lại từ đất khi sử dụng đất cho các dự án đầu tư như trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người có đất bị thu hồi đất... Đây là những vấn đề đã được đặt ra từ nhiều năm qua và vẫn chưa có biện pháp giải quyết triệt để.
Nhiều ý kiến cho rằng, phải sửa Luật Đất đai, đồng thời xem lại Nghị định 69 liên quan đến quy định về đền bù giải phóng mặt bằng. Cũng có ý kiến cho rằng, cần thiết phải sử dụng dịch vụ định giá độc lập để xác định giá trị bồi thường hợp lý, giảm thiểu nguy cơ tham nhũng, bảo đảm công bằng quyền lợi của người dân. Bởi thực tế cho thấy, người dân bị thu hồi đất hiện được áp mức bồi thường cao nhất cũng chỉ đạt gần 70%, và thấp nhất chỉ đạt gần 10% giá đất giao dịch thực tế trên thị trường. Theo ông Đặng Hùng Võ: "Về nguyên tắc, việc quyết định giá đất nên có một hệ thống quản lý độc lập với hệ thống hành chính… Đây là nguyên tắc cao nhất để chúng ta có giá khách quan theo thị trường. Giá là yếu tố hình thành trên thị trường. Nhà nước có thể điều tiết giá nhưng điều tiết bằng những quy luật của thị trường chứ không phải bằng quyết định hành chính". Về vấn đề này, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, người dân phải được giám sát việc thu hồi và sử dụng đất; tăng tính độc lập trong việc xác định giá trị đất, giá trị đền bù…
Hàng loạt vấn đề phát sinh từ thực tế đang đặt ra cho các nhà quản lý và cả những nhà làm luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.