Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải bài toán chất lượng

Đào Huyền| 01/09/2011 07:17

(HNM) - Cả nước hiện có trên 21 triệu lao động nông nghiệp trong độ tuổi lao động nhưng có hơn 20,7 triệu người (chiếm 97%) chưa qua đào tạo và không có chứng chỉ chuyên môn.


Đào tạo nghề mây tre đan xuất khẩu cho lao động nông thôn tại làng nghề Phú Vinh (huyện Chương Mỹ).    Ảnh: Bá Hoạt


Bộ NN&PTNT cho biết, trong số 21 triệu lao động nông nghiệp có 20,7 triệu người chưa qua đào tạo và không có chứng chỉ chuyên môn; người có bằng sơ cấp, công nhân kỹ thuật chiếm 1,26%; bằng trung cấp chiếm 0,87%; tỷ lệ lao động có bằng CĐ, ĐH chỉ chiếm 0,22%. Thực tế nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp khá dồi dào, nhưng chất lượng lao động là cả vấn đề. Lâu nay, chúng ta quen với khái niệm là nước có tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp; xuất khẩu gạo, tiêu, cà phê, thủy sản đều đứng ở nhóm đầu thế giới, song giá gạo, giá cà phê, thủy sản... thì vẫn "lẹt đẹt" so với những nước được cho ít tiềm năng, thế mạnh ở các mặt hàng trên. Nguyên nhân chính vẫn là thiếu mạng lưới cán bộ kỹ thuật nông nghiệp để hướng dẫn cho bà con sản xuất. Ở các nước có nền nông nghiệp hiện đại, việc người nông dân có trình độ như một kỹ sư... là chuyện rất đỗi bình thường. Nhưng với Việt Nam, người nông dân vẫn luẩn quẩn với tập quán canh tác, sản xuất xưa cũ, chưa tiếp cận được khoa học kỹ thuật hiện đại, do đó chất lượng sản phẩm thấp.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ NN&PTNT đề ra chiến lược phát triển lâm nghiệp năm 2006-2020 là đào tạo chính quy bình quân mỗi năm khoảng 5.000 sinh viên, học sinh và đào tạo nâng cao cho các cán bộ chủ chốt trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Hiện cả nước có 13 trường ĐH, CĐ có đào tạo về nông, lâm nghiệp; 60% trường TCCN, CĐ nghề, trung cấp nghề, trung tâm có dạy nghề về nông, lâm nghiệp. Tuy nhiên đào tạo nghề làm sao cho hiệu quả, đào tạo thế nào để nguồn nhân lực đó có chỗ để phát huy và ứng dụng chính là điều thúc đẩy Công ty Đầu tư và PTNN Hà Nội thành lập Trường Cao đẳng Nghề Công nghệ và Kinh tế Hà Nội (Hacotab). Mục tiêu của trường là cung cấp đội ngũ cán bộ tri thức, khoa học cho ngành nông nghiệp nước nhà.

Giải bài toán chất lượng

Chia sẻ những tâm tư khi thành lập trường, TS Phan Minh Nguyệt cho rằng, để xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại, bền vững, đặc biệt là hiện thực hóa chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới của Đảng, Nhà nước, đồng thời nâng cao thu nhập và chất lượng sống cho người nông dân, cần có giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở khu vực này. Có một thực tế hiện nay, số lượng sinh viên ở các trường nghề sau khi ra trường không có đủ trình độ, tay nghề và phải đào tạo lại là phổ biến. Thế nhưng với mô hình đào tạo tại Trường Hacotab (Đơn vị trực thuộc Công ty Đầu tư và PTNN Hà Nội) được xem như là mô hình tiêu biểu nhất cho đào tạo đa ngành nghề. Tiến sỹ Trịnh Ngọc Huy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, Hacotab mong muốn xây dựng một chương trình chuẩn đem lại lợi ích thiết thực cho người theo học. Các sinh viên ở đây khi ra trường sẽ hội tụ đầy đủ những kỹ năng cần thiết, đồng thời có kinh nghiệm thực tiễn tại các doanh nghiệp thông qua những cơ hội thực tập ngay từ năm thứ nhất. Với tiêu chí đào tạo nguồn lao động bậc trung chất lượng cao, Hacotab cam kết cho ra đời lực lượng lao động có đủ trình độ, tay nghề hoàn toàn có thể thích ứng với môi trường làm việc trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, đặc biệt là ngành nông nghiệp.

Giải pháp đào tạo của Hacotab là sự hợp tác chặt chẽ giữa trường học và doanh nghiệp. Có thể nói, mô hình đào tạo ở Hacotab là sự kế thừa của mô hình đào tạo nghề tiên tiến tại nhiều quốc gia như Pháp, Na Uy, Đức… mô hình đào tạo "trường học trong doanh nghiệp". Do có sự tương tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, sinh viên khi theo học sẽ có điều kiện tham gia thực tập ngay từ những năm thứ nhất. Là một trong những công ty hàng đầu về nông nghiệp Thủ đô, việc thành lập trường, đào tạo dựa trên sự phối hợp giữa lý thuyết và thực tiễn ngay tại các đơn vị thành viên trong lĩnh vực nông nghiệp trực thuộc công ty đã góp phần giải bài toán chất lượng nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải bài toán chất lượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.