(HNM) - Niềm hân hoan khi thoát khỏi thời kỳ suy thoái ròng rã suốt 18 tháng chưa kéo dài được bao lâu, Liên minh Châu Âu (EU) lại phải đón nhận những lo âu mới đến từ Romania, một quốc gia thành viên được xếp vào nhóm túng thiếu nhất trong
Thông tin bất ngờ về việc Aninoasa - thành phố nổi tiếng với vựa than lớn của Romania đệ đơn phá sản không khỏi khiến dư luận ngỡ ngàng. Từng là cái nôi chính cung cấp than cho cả đất nước và cũng là nơi mang lại việc làm cho đại đa số người dân, nhưng quản lý yếu kém cùng với những tác động khủng khiếp của khủng hoảng tài chính đã khiến thời hoàng kim của mỏ than đồ sộ nhanh chóng trôi qua. Tính từ thời điểm phải đóng cửa từ 6 năm trước, đến nay, nợ chính quyền địa phương đã lên tới hơn 1,6 triệu USD (khoảng 150% thu nhập), tỷ lệ thất nghiệp ở mức 90%. Do đó, việc chính thức trở thành thành phố đầu tiên của Châu Âu phá sản là cái kết khó tránh khỏi đối với Aninoasa.
Aninoasa điêu tàn vì khủng hoảng. |
Nhiều ý kiến cho rằng, Aninoasa phải gánh lấy hậu quả như hôm nay một phần do sự nôn nóng gia nhập EU của Romania. Cũng không ít người ủng hộ nhận định rất có thể Aninoasa chưa phải là thành phố cuối cùng đệ đơn xin phá sản. Kết quả nghiên cứu độc lập của Viện Chính sách công cộng vừa được công bố cho thấy, còn rất nhiều thành phố khác tại Romania nằm trong tình trạng chi vượt mức thu. Chỉ 6 năm trước đây, nhiều người từng chờ đợi vào những điều thần kỳ sẽ xảy ra đối với Romania khi nước này nằm trong đợt kết nạp mở rộng lần thứ hai của EU tính từ lúc Liên bang Xô viết sụp đổ, thì giờ đây lại là sự thất vọng bao trùm.
Tính về khía cạnh về thu nhập bình quân đầu người, Romania vẫn là nước nghèo thứ hai trong Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone), với 350 euro/tháng. Con số này chỉ bằng một phần tư so với mức lương tối thiểu ở Pháp. Trong khi đó, nợ nước ngoài chiếm tới trên 70% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Theo nhận định của nhiều nhà phân tích, sự sụp đổ hệ thống tài chính trong nước kéo theo xu thế giảm sút mạnh các nguồn thu hút đầu tư ngoài nước, tín dụng trên thị trường nội địa thực tế đã bị đình trệ. Do đó, năm 2012, tỷ lệ suy giảm kinh tế nước này đã rơi xuống mức kỷ lục, âm 15% GDP.
Cùng lúc đó, sự bất bình của người dân đối với chính phủ về việc thực thi các chính sách tăng thuế, nạn tham nhũng và đấu đá quyền lực ngày càng gia tăng. Một phần vì thế, những cải cách trong khu vực kinh tế nhà nước đã không đạt được thành tựu gì đáng kể cho dù nước này có thuận lợi về vị trí địa lý và nhân công. Do việc quản lý kém cỏi, thiếu minh bạch, trong thời gian 2007-2013, mặc dù Romania được nhận khoản tín dụng xấp xỉ 20 tỷ euro, nhưng mức giải ngân cho đến tháng 9 năm ngoái chỉ đạt 10%. Điều này buộc Ủy ban Châu Âu (EC) quyết định ngừng toàn bộ các khoản viện trợ phát triển mới thuộc các chương trình phát triển kinh tế và hệ thống giao thông cho Bucharest. Bên cạnh đó, sự bất lực của bộ máy luật pháp khiến lòng tin của các tập đoàn kinh tế trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài suy giảm rõ rệt. Nếu như năm 2008, đầu tư trực tiếp là 9,2 tỷ euro thì năm 2011 lượng đầu tư nước ngoài vào nước này chỉ chưa đầy 1,2 tỷ euro. Hàng loạt công trình hạ tầng như mở rộng đường bộ, xây dựng tuyến đường cao tốc… do Mỹ và EU đảm nhận đều bị bỏ dở hoặc tiến hành với tốc độ chậm.
Những gì diễn ra tại Romania khiến bức tranh kinh tế EU chưa kịp sáng đã lại phải điểm thêm một mảng tối. Cùng với Romania, tình trạng yếu kém diễn ra ở quốc gia thành viên cũng nằm trong đợt kết nạp năm 2007 là Bulgaria hay "tân binh" Croatia đã chất chồng thêm những gánh lo tài chính cho EU. Đồng thời, sự sụp đổ của Aninoasa cũng gửi đi những dự báo tiêu cực khiến giấc mơ về sự thịnh vượng của Eurozone thành mối hoài nghi lớn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.