(HNM) - Trong khi Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev vừa tuyên bố không ủng hộ việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) kết nạp thêm thành viên mới thì cùng thời điểm này Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos, cho biết trong tháng 6, Bộ Quốc phòng Colombia sẽ ký một thỏa thuận hợp tác với NATO, tiến tới gia nhập khối quân sự này.
Phát biểu tại lễ thăng hàm tại một trường lục quân, Tổng thống Santos nêu rõ thỏa thuận trên khởi đầu quá trình "tiếp cận, hợp tác và gia nhập NATO". Theo nhà lãnh đạo đứng đầu Colombia, nếu chính phủ đạt được thỏa thuận hòa bình với nhóm du kích Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC), quân đội Colombia có cơ hội tốt để đóng vai trò quan trọng trên trường quốc tế. Với sự bảo trợ của Cuba, Na Uy, cũng như sự "đồng hành" của Venezuela và Chile, Chính phủ Colombia và FARC đang đàm phán nhằm chấm dứt cuộc xung đột vũ trang kéo dài gần nửa thế kỷ qua tại quốc gia Nam Mỹ này. Cuộc hòa đàm đã đạt được thỏa thuận quan trọng liên quan tới vấn đề ruộng đất và phát triển nông thôn. Hai bên sẽ bắt đầu thảo luận vấn đề thứ hai liên quan tới sự tham gia của FARC vào đời sống chính trị tại Colombia trong tương lai.
NATO muốn mở rộng ảnh hưởng tại Mỹ La tinh |
Nếu được gia nhập NATO, Colombia sẽ trở thành quốc gia Mỹ Latinh đầu tiên tham gia vào liên minh quân sự lớn nhất thế giới này. Tuy nhiên ngay sau khi Colombia công bố ý định tham gia NATO, lãnh đạo nhiều nước Mỹ Latinh đã lên tiếng phản đối động thái này của Bogota. Tổng thống Bolivia Evo Morales đã đề nghị triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Phòng thủ của Liên minh các nước Nam Mỹ (UNASUR) để thảo luận đề xuất gia nhập NATO của Colombia, mà theo ông là một mối đe dọa đối với các chính phủ tiến bộ tại Mỹ Latinh. Tổng thống Morales nêu rõ, việc Colombia gia nhập NATO có thể dẫn tới việc tổ chức này can thiệp và xâm lược các nước tiến bộ tại khu vực như Venezuela, Ecuador, Nicaragua và Bolivia với những cái cớ khác nhau, nhưng đều nhằm mục đích cướp bóc tài nguyên thiên nhiên tại đây. Trước đó, Tổng thống Nicaragoa Daniel Ortega đã ví ý định gia nhập NATO của Colombia là một "nhát dao đâm vào trái tim" các dân tộc Mỹ Latinh. Trong bối cảnh các nước tại Mỹ Latinh và Caribe đang thúc đẩy xây dựng một khu vực hòa bình thì các lãnh đạo khu vực này cho rằng quyết định của Colombia là không thể chấp nhận được.
Giới phân tích cho rằng, là đồng minh thân cận của Mỹ, việc Colombia muốn gia nhập NATO sẽ khiến Washington bảo đảm các lợi ích địa chính trị như kiểm soát các nước tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên của thế giới, gây sức ép đối với chính phủ các nước thành viên để ủng hộ Mỹ có tiếng nói quyết định trong các vấn đề quan trọng. Ý định này cũng hoàn toàn phù hợp với mục tiêu mở rộng của khối quân sự hùng mạnh bậc nhất thế giới. Trong những năm gần đây, NATO đã ký kết các thỏa thuận hợp tác với các nước ở nam bán cầu, như New Zealand, Australia và Singapore để tăng cường ảnh hưởng tại khu vực này và mở rộng sự tham gia quốc tế vào các chiến dịch quân sự do NATO tiến hành. Do đó, nhiều năm qua, Mỹ luôn ủng hộ chính sách NATO mở rộng ra toàn cầu chứ không gói gọn trong khu vực Bắc Đại Tây Dương. Số lượng thành viên chính thức đã tăng từ 16 lên thành 28 trong 10 năm kể từ năm 1999. Hiện tại, NATO có hơn 40 đối tác trên khắp 4 châu lục bên ngoài Châu Âu - Đại Tây Dương, dưới sự bảo trợ của nhiều chương trình hợp tác như: Đối thoại hòa bình Á - Âu, Đối thoại Địa Trung Hải ở Châu Phi và Trung Đông, Sáng kiến hợp tác Istanbul ở vịnh Ba Tư. NATO cũng có một loạt quan hệ mở rộng với các quốc gia ở nhiều khu vực khác nhau ở Châu Á - Thái Bình Dương (Australia, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc), Chương trình quốc gia thường niên với Gruzia và Ukraine.
Tuy nhiên, theo một quan chức NATO, Colombia không hội đủ điều kiện về địa lý để được gia nhập khối quân sự. Song, thỏa thuận giữa Colombia và NATO nếu được ký kết có thể mở ra khả năng hợp tác quân sự song phương, thông qua tập trận chung và cho phép liên minh này mở căn cứ quân sự tại quốc gia Nam Mỹ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.