(HNM) - Trong một động thái được cho là để thực hiện cam kết lúc tranh cử, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra tuyên bố chính thức bãi bỏ chương trình bảo vệ trẻ vị thành niên nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ (DACA).
Nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra tại Mỹ để phản đối quyết định hủy bỏ DACA. |
Vấn đề trẻ vị thành niên nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ từng là chủ đề được đưa ra bàn thảo từ thập niên 1990 tới giữa những năm 2000. Vì nhiều năm trước đó, một lượng lớn gia đình, chủ yếu người Mexico, đã vượt biên giới sang Mỹ. Về cơ bản, những người này hoàn toàn không có cơ hội trở thành công dân hợp pháp hay có giấy phép lao động, giấy phép lái xe theo luật pháp Mỹ. Tuy nhiên, những đứa trẻ trong các gia đình ấy hoàn toàn không nhận thức được mình đang cư trú bất hợp pháp cho tới tuổi thành niên - khi có nhu cầu làm thủ tục đăng ký thi bằng lái xe hay nộp hồ sơ xin những khoản tài trợ học phí tại các trường cao đẳng và đại học... nhưng không thể được vì không có số an sinh xã hội. Điều gì sẽ xảy ra với những đứa trẻ này khi từ nhỏ đã được đi học tại các trường học của nước Mỹ, quen thuộc với cuộc sống và văn hóa như những đứa trẻ bản địa, nhưng trong tương lai lại không thể có được một công việc hợp pháp để nuôi sống bản thân? Liệu chúng có trở về quốc gia nơi đã được sinh ra song hầu như không biết gì về cuộc sống ở đó, hay vẫn sẽ tiếp tục cuộc sống bất hợp pháp tại Mỹ? Đây là lý do DACA, hay còn được gọi là “giấc mơ Mỹ” được thông qua theo sắc lệnh hành chính năm 2012 của cựu Tổng thống Barack Obama. Theo đó, những di dân dưới 31 tuổi, nếu hội đủ một số điều kiện như tốt nghiệp trung học tại Mỹ, chưa từng vi phạm pháp luật… có thể nộp đơn xin giấy phép lao động trong 2 năm để cư trú và làm việc hợp pháp. Sau 2 năm, những người này có thể tái nộp đơn xin DACA nếu vẫn có nhu cầu.
Theo lập luận của chính quyền Tổng thống D.Trump, DACA yếu về cơ sở pháp lý, tạo kẽ hở trong quản lý nhập cư và làm mất cơ hội việc làm của người Mỹ. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan cho rằng, dù ý định tốt đến đâu thì DACA đã lạm quyền hành pháp. Quốc hội làm luật chứ không phải tổng thống. Bằng việc bãi bỏ chương trình này, Tổng thống D.Trump đã hoàn thành cam kết khôi phục lại cân bằng vai trò giữa nhánh hành pháp và lập pháp.
Tuy nhiên, quyết định hủy bỏ DACA đã vấp phải phản ứng gay gắt. Giới doanh nghiệp Mỹ khẳng định, nền kinh tế nước này sẽ mất 460,3 tỷ USD tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cùng 24,6 tỷ USD tiền thuế liên quan đến vấn đề trên. 15 tiểu bang của Mỹ cùng đặc khu Columbia đã đệ đơn kiện quyết định của chính quyền Tổng thống Mỹ. Trong đơn nêu rõ, việc bãi bỏ DACA là sự phân biệt đối xử đối với người nhập cư, vi phạm luật pháp liên bang.
Tổng chưởng lý bang New York Eric Schneiderman - người dẫn đầu vụ kiện cho biết, có 42.000 người New York tham gia DACA, do đó nếu chương trình này chấm dứt sẽ làm đảo lộn cuộc sống của họ và gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho bang này. Ông khẳng định: "Hành động của Tổng thống sẽ đảo lộn cuộc sống của hàng trăm nghìn thanh niên coi nước Mỹ là ngôi nhà của mình".
Theo đánh giá của các chuyên gia luật, đây sẽ là một cuộc chiến dai dẳng và kéo dài bởi hầu hết các tòa án tại Mỹ đều phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra mọi quyết định liên quan đến nhập cư, vì vấn đề này ảnh hưởng đến an ninh và chủ quyền quốc gia. Trong khi đó, đến hết tháng 3-2018, nếu Quốc hội Mỹ không thông qua được một luật nào bảo vệ những người theo diện DACA thì “giấc mơ Mỹ” sẽ biến thành ác mộng. Hơn 500 nghìn người sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị trục xuất và tương lai bất ổn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.