Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giá xăng dầu trước áp lực tăng mạnh

Thanh Hải| 08/02/2022 16:33

(HNMO) - Kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11-2 tới đây, giá các mặt hàng này ở trong nước đang đứng trước áp lực tăng mạnh. Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), nguyên nhân là do ảnh hưởng từ giá xăng dầu thế giới đang ở mức cao, cùng với đó là những khó khăn của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn - nhà máy lọc dầu lớn nhất Việt Nam - sẽ tác động lớn đến nguồn cung xăng dầu trong nước.

Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) vừa thông tin, hiện nay, giá các mặt hàng xăng dầu và khí hóa lỏng (LPG) đang ở mức cao do chịu tác động từ thị trường thế giới. Do đó, trong kỳ điều hành ngày 11-2, giá xăng dầu trong nước sẽ chịu áp lực điều chỉnh tăng rất lớn từ giá thế giới.

Cụ thể, giá dầu thế giới tăng mạnh vào ngày 4-2 do bão tuyết hoành hành tại nhiều khu vực ở Mỹ gây lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung. Có thời điểm, giá dầu thô Brent đã leo đến mốc 93,7 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ WTI vọt lên ngưỡng 93,17 USD/thùng. Đây là mức cao nhất của giá dầu Brent và giá dầu WTI kể từ tháng 10-2014. Tiếp đó, tới phiên giao dịch ngày 5 và 6-2, giá dầu thế giới vẫn ở xu hướng tăng.

Tuy nhiên, tới ngày 7-2, giá dầu Brent và dầu WTI đồng loạt quay đầu giảm xuống dưới 93 USD/thùng. Và mới nhất, ghi nhận vào đầu giờ sáng 8-2 (theo giờ Việt Nam), trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3-2022 đứng ở mức 91,21 USD/thùng, giảm 0,11 USD/thùng trong phiên. Nếu so với cùng thời điểm ngày 7-2, giá dầu WTI giao tháng 3-2022 đã giảm 0,5 USD/thùng.

Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 4-2022 đứng ở mức 92,43 USD/thùng, giảm 0,26 USD/thùng trong phiên và đã giảm tới 0,43 USD so với cùng thời điểm ngày 7-2. Nhưng đây vẫn là mức cao và nếu tính ra thì hai loại dầu thô này đã có tuần tăng thứ 7 liên tiếp, đánh dấu chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng 10-2021.

Giá xăng dầu tăng mạnh trên thị trường thế giới chắc chắn sẽ tác động lớn tới nguồn cung xăng dầu trong nước khi vẫn đang phụ thuộc lớn vào thị trường thế giới. Trong khi đó, cho tới nay, dù Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thông tin, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đã trở lại hoạt động, đạt được thỏa thuận với các đối tác, nhưng mới đáp ứng 60% công suất sản xuất nên sẽ ảnh hưởng nhất định đến nguồn cung xăng dầu.

Do vậy, nhiều chuyên gia dự báo, giá xăng dầu trong nước ở phiên điều chỉnh giá tới đây sẽ tăng mạnh theo giá thế giới.

Trước đó, trong kỳ điều hành ngày 21-1, liên bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng giá xăng dầu. Theo đó, giá xăng E5RON92 tăng 436 đồng/lít, không cao hơn 23.595 đồng/lít; giá xăng RON95-III tăng 484 đồng/lít, không cao hơn 24.360 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 18.903 đồng/lít, tăng 664 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 17.793 đồng/lít, tăng 655 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 16.993 đồng/kg, tăng 631 đồng/kg.

Trong một diễn biến khác, liên quan đến việc Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn chưa đáp ứng đủ công suất, hiện tại, ở một số cửa hàng xăng dầu ở tỉnh Đắk Lắk, An Giang… ngưng bán do hụt nguồn cung, không có nhân viên phục vụ, thua lỗ...

Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, ngay từ trước Tết, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có chỉ đạo đến các sở công thương và lực lượng quản lý thị trường giám sát chặt chẽ thị trường xăng dầu. Vừa qua, Bộ đã trực tiếp liên hệ với các đơn vị có liên quan, tăng cường kiểm tra, giám sát, đến tận nơi yêu cầu các cây xăng tạm dừng bán phải có lý do chính đáng.

Theo Bộ Công Thương, việc giá xăng dầu thế giới tăng, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn mới đáp ứng 60% công suất sản xuất sẽ ảnh hưởng nhất định đến nguồn cung xăng dầu. Đây là bài học về việc đa dạng hóa nguồn cung, ưu tiên xăng dầu sản xuất trong nước nhưng các nhà máy phải tuân thủ hợp đồng đã ký kết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giá xăng dầu trước áp lực tăng mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.