(HNMO) - Những ngày qua, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới liên tục được co hẹp mạnh. Liệu đây có phải là dấu hiệu cho thấy giá trong nước về sát giá thế giới?
Chênh lệch giá vàng co hẹp mạnh. Ảnh minh họa |
Thứ bảy vừa qua (17-8), giá vàng trong nước cao hơn thế giới 3,2 triệu đồng/lượng, co tới 1 triệu đồng/lượng so với đầu tuần, còn so với tuần trước nữa co 1,2 triệu đồng/lượng. Sau đó, chênh lệch giá tiếp tục được thu hẹp, đến hôm nay (23-8) là 2,8 triệu đồng/lượng-mức thấp nhất kể từ ngày 28-3, thời điểm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt đầu tổ chức đấu thầu bán vàng miếng ra thị trường.
Còn nhớ, đến 30-6-2013, các ngân hàng thương mại phải hoàn thành tất toán trạng thái vàng. Vì vậy, để nhà băng mua đủ vàng phục vụ tất toán mà thị trường không bị xáo trộn, từ 28-3, NHNN đã tổ chức đấu thầu bán vàng ra thị trường. Trước khi các phiên đấu thầu diễn ra, lãnh đạo NHNN cho rằng giá trong nước sẽ về sát giá thế giới ở mức hợp lý sau ngày 30-6 bởi lúc đó sức cầu về vàng sẽ không còn cao như trước. Tuy nhiên, khi phiên đầu tiên diễn ra, chênh lệch giá vàng nới lên 3,1 triệu đồng/lượng thay cho mức 2,8 triệu đồng/lượng.
Trong và sau thời gian ngân hàng hoàn tất đóng trạng thái vàng, một số lần thị trường có “sóng” lớn về chênh lệch giá vàng nội-ngoại. Đầu tiên là ngày 18-4, chênh lệch lên mức kỷ lục là 7 triệu đồng/lượng, sau đó là ngày 6-7, lên xấp xỉ mức kỷ lục trên. Nguyên nhân được cho là giá vàng thế giới bất ngờ giảm mạnh và sức cầu trong nước vẫn còn cao. Đến ngày 30-6, sau khi các ngân hàng đã hoàn thành tất toán trạng thái vàng, với 37 phiên đấu thầu được tổ chức và "ngót” 40 tấn vàng được đưa ra thị trường, chênh lệch giá vẫn ở mức hơn 4 triệu đồng mỗi lượng. Kể cả sau khi ngân hàng đã đóng trạng thái vàng được 1 tháng, chênh lệch giá vẫn duy trì ở mức trên, có phiên lên hơn 5 triệu đồng/lượng. Vì thế, những ngày gần đây, việc giá vàng nhanh chóng thu hẹp với giá thế giới là tín hiệu vui cho thị trường.
Một số chuyên gia cho rằng, chêch lệch hai đầu giá về mức 2,8 triệu đồng/lượng thể hiện rõ giá vàng trong nước đang về sát giá thế giới trong bối cảnh giá quốc tế không có nhiều biến động và sức cầu trên thị trường yếu. Ghi nhận tại một số cửa hàng kinh doanh vàng cho thấy, những ngày giá lên trên mốc 38 triệu đồng vừa qua, nhiều người đã bị bán để chốt lời. Sức cầu thấp còn được thể hiện rõ ở chỗ trong 5 phiên đấu thầu gần đây, cả 5 đều thừa vàng mặc dù số vàng thừa nhiều nhất chỉ là 500 lượng.
Tuy nhiên, theo nhận định, giá vàng trong nước sẽ không thể chỉ cao hơn giá thế giới 400.000 đồng/lượng như kỳ vọng trước đây mà chênh lệch này sẽ duy trì quanh mức 2,5 triệu đồng/lượng. Lý do là, nếu chênh lệch giá quá hẹp sẽ dẫn đến tình trạng đầu cơ, đặc biệt, là người dân sẽ mua vào nhiều ảnh hưởng đến mục tiêu chống vàng hóa. Trong khi đó, vào hồi đầu tháng 4, thời điểm mới tổ chức đấu thầu bán vàng, đại diện NHNN cho biết, mục tiêu đấu thầu bán vàng của NHNN là tăng cung vàng miếng trên thị trường để can thiệp bình ổn thị trường vàng, không nhằm bình ổn giá vàng và đặc biệt là không bù lỗ cho bất cứ đối tượng nào trên thị trường. Bình ổn thị trường được giải thích rõ là sẽ giúp cho giá vàng không biến động lớn, không xảy ra đầu cư, tích trữ, mua bán ồ ạt, người dân không bị rủi ro. Từ đây có thể hiểu, thu hẹp biên độ giá vàng không nằm trong mục tiêu chính của NHNN.
Điều này càng được thể hiện rõ hơn khi trong buổi giải trình trước Quốc hội vào cuối tháng 5-2013, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng, việc thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới không làm bình ổn thị trường vàng, không loại bỏ được các tác động tiêu cựu lên kinh tế vĩ mô, không làm giảm vàng hóa, mà trái lại, ở các chừng mực khác nhau lại có tác động ngược lại. Mục tiêu làm cho chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức thấp chỉ là mục tiêu tình thế để hạn chế tác động tiêu cực trước mắt của thị trường vàng lên ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh ta chưa xây dựng được một khuôn khổ pháp lý mới về quản lý thị trường vàng.
Theo người đứng đầu NHNN, đến nay, khi một khuôn khổ pháp lý mới đã được thiết lập (nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng), mặc dù chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cao nhưng thị trường vàng ổn định hơn, các tác động tiêu cực của nó lại được kiểm soát tốt hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.