(HNM) - Chịu áp lực của đà tăng giá vàng thế giới, ngày 7-8, giá vàng trong nước đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm qua. Trái với vàng, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc lại xuống giá mạnh. Liệu sự lên - xuống này có ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp?
Vượt "đỉnh" 6 năm
Phiên sáng 7-8, giá vàng thế giới giao dịch ở ngưỡng 1.489 USD/ounce, tương đương 41,81 triệu đồng/lượng. Nguyên nhân giá vàng thế giới vượt "đỉnh" 6 năm qua là do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc đã rơi vào tình trạng khó kiểm soát. Nhất là sau khi Mỹ cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ, thả đồng nhân dân tệ giảm mạnh xuống dưới ngưỡng 7 nhân dân tệ đổi 1 USD, giới đầu tư dồn dập đổ tiền vào vàng, coi đây là kênh đầu tư an toàn. Ngoài ra, vàng tăng giá còn do nhu cầu phòng ngừa rủi ro trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu sụt giảm, căng thẳng chính trị tiềm ẩn ở nhiều nơi trên thế giới...
Đối với thị trường vàng trong nước, thời điểm 9h sáng 7-8, giá vàng SJC được Công ty cổ phần SJC Sài Gòn niêm yết tại Hà Nội là 41,05 triệu đồng/lượng (mua vào) - 41,42 triệu đồng/lượng (bán ra); tăng 600.000 đồng/lượng ở chiều mua vào, tăng 650.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên chiều 6-8.
Cùng thời điểm trên, giá Vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu giao dịch ở 40,96 triệu đồng/lượng (mua vào) - 41,56 triệu đồng/lượng (bán ra); tăng 450.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 550.000 đồng/lượng ở chiều bán ra. Giá vàng SJC tại Bảo Tín Minh Châu: 41 triệu đồng/lượng (mua vào) - 41,5 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 440.000 đồng/lượng.
Mặc dù giá vàng tăng khá mạnh, song thị trường ghi nhận giao dịch mua vào nhiều hơn, theo xu hướng của thế giới. Tại một số cửa hàng kinh doanh của Bảo Tín Minh Châu trên địa bàn Hà Nội, lượng khách mua vào chiếm tỷ lệ 70%, lượng khách bán ra chiếm tỷ lệ 30%. Theo ông Nguyễn Việt Anh, chủ cửa hàng vàng số 275 Tôn Đức Thắng (Hà Nội) ở thời điểm này, người dân không còn xem vàng là tài sản sinh lời nhanh, thị trường không còn cảnh đổ xô mua - bán vàng như trước.
Không đáng quan ngại
Việc giá vàng tăng hay đồng nhân dân tệ "rớt" giá được dự báo sẽ ảnh hưởng đến thương mại của Việt Nam, song không quá lo ngại. Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, tác động của việc Trung Quốc hạ giá đồng nhân dân tệ lần này đến thương mại hai nước là không đáng quan ngại. Bởi, kim ngạch xuất - nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc lớn, nhưng đồng tiền thanh toán cơ bản vẫn là USD, chỉ một số ít hợp đồng kinh tế giao dịch bằng đồng nhân dân tệ, mà với những hợp đồng này, hai bên đã chốt giá với nhau từ trước đó. Nếu đồng nhân dân tệ giảm nhiều, trong khi USD tăng lại có lợi cho doanh nghiệp xuất - nhập khẩu, vì quy đổi từ đồng USD sang nhân dân tệ thì doanh nghiệp sẽ được lợi nhiều hơn.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Bá Lộc, thành viên Hội đồng quản trị Công ty Eliss lại cho rằng: Nếu đồng nhân dân tệ giảm giá quá mạnh, nhiều công ty trong nước nhìn thấy lợi nhuận cao sẽ chuyển sang mua hàng hóa từ Trung Quốc để bán vào nội địa thay vì tập trung đầu tư máy móc, công nghệ để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Mặt khác, hàng hóa Trung Quốc sẽ cạnh tranh hơn, cũng như tạo sức ép lên tỷ giá giữa đồng tiền Việt Nam và đô la Mỹ.
Tuy những diễn biến nêu trên diễn ra khá mạnh, nhưng tỷ giá trong nước không có nhiều biến động. Tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố ngày 7-8 là 23.117 VND/USD, tăng nhẹ 2 VND so với ngày 6-8. Với biên độ +/-3% theo quy định, giá USD sàn mà các ngân hàng thương mại có thể công bố là 22.424 VND/USD và tỷ giá trần là 23.810 VND/USD.
Trong khi đó, giá đô la Mỹ được niêm yết tại các ngân hàng thương mại lại giảm. Cụ thể, tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), giá đô la Mỹ là 23.190 VND/USD (mua vào) - 23.310 VND/USD (bán ra), giảm 30 VND/USD; Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV): 23.150 VND/USD (mua vào) - 23.270 VND/USD, giảm 50 VND/USD chiều mua vào và giảm 70 VND/USD chiều bán ra.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định: Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chủ động thực hiện các giải pháp quản lý thị trường ngoại tệ, thị trường vàng hiệu quả; tiếp tục củng cố dự trữ ngoại hối nhà nước. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước triển khai các biện pháp hạn chế tình trạng đô la hóa, tăng niềm tin vào đồng tiền Việt Nam, góp phần ổn định thị trường ngoại tệ và kinh tế vĩ mô.
Với nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, Ngân hàng Nhà nước có đủ dư địa để điều tiết, kiểm soát thị trường, đáp ứng yêu cầu sản xuất, xuất khẩu, sẵn sàng ứng phó với tác động từ bên ngoài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.