(HNM) - Sau gần nửa năm thực hiện Nghị quyết 11/CP của Chính phủ, nhiều chính sách về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội đã được thực thi và đạt kết quả đáng khích lệ, trong đó có việc giữ ổn định tỷ giá.
Giao dịch tại Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu. Ảnh: Trung Kiên
Sự "leo thang" liên tục của giá vàng trên thế giới cũng như trong nước đã tạo ra những đột biến trong tâm lý người dân và yếu tố này đã làm ảnh hưởng đến tỷ giá ngoại tệ. Trong cùng một thời điểm như hiện nay, người dân có tới ba phương tiện dự trữ: vàng, ngoại tệ (mà chủ yếu là USD) và VND. Trên thị trường ngoại hối, người dân được cất giữ ngoại tệ, được gửi tiết kiệm, rút ra bằng ngoại tệ và bán ngoại tệ cho ngân hàng. Sự tự do này cũng đang xảy ra với vàng.
Ở nhiều nước trên thế giới giá vàng tăng, giảm là do các tổ chức, các quỹ đầu cơ lưu thông, người dân không mua vàng. Ở nước ta, khi giá vàng "leo thang" mọi người lại "rồng rắn" mua để rồi chỉ sau vài giờ đồng hồ phải "ngậm bồ hòn" làm ngọt. Sự nhạy cảm của không ít người dân với giá vàng, những đánh giá, nhìn nhận, dự báo của chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách về tình hình kinh tế Việt Nam trong bối cảnh khó khăn, rồi tình trạng đầu cơ, làm giá ở thị trường trong nước... đã khiến nhiều người tin thái quá vào vàng, dẫn đến tình trạng khó kiểm soát. Trong khi bản chất giá của các loại hàng hóa nói chung, vàng nói riêng là phản ánh quan hệ cung-cầu, cộng thêm yếu tố niềm tin, vì thế nhiều người mua vàng với hy vọng giá sẽ còn lên và hệ lụy là giá vàng liên tục "leo thang"...
Tâm lý này từ vàng đã lan tỏa sang ngoại tệ. Khi Ngân hàng Nhà nước cho nhập khẩu 10 tấn vàng, tỷ giá liên ngân hàng, mà ở đây chủ yếu là USD với VND đã được đẩy lên. Các doanh nghiệp, ngân hàng có ngoại tệ đã tạm ngưng bán ra để chờ giá lên, hoặc bán với yêu cầu giá cao. Sự đầu cơ ngoại tệ trên thị trường liên ngân hàng không phải bắt nguồn từ mất cân đối cung - cầu, mà từ tỷ giá trên thị trường tự do. Đây không phải lần đầu diễn ra hiện tượng này. Những ngày qua, giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng thế giới, thậm chí có thời điểm giá vàng trong nước cao hơn tới 2 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới. Sự chênh lệch này dễ dẫn tới tình trạng nhập vàng lậu. Để nhập vàng lậu, USD trên thị trường tự do sẽ được mua gom để thanh toán và khó có thể biết chính xác số lượng vàng lậu nhập sẽ là bao nhiêu, nên không thể biết được lượng ngoại tệ dùng để nhập lậu vàng là chừng nào?
Hiện nay, ở nước ta số lượng vàng do dân nắm giữ là rất lớn, có thể tới hàng trăm tấn. VND lại không "khỏe", vì thế người dân sẽ cất giữ những thứ an toàn hơn, trong đó có vàng. Như vậy, khó có thể cấm người dân trữ vàng, cho nên cần để cho thị trường đi theo quy luật của nó. Song, với sự kiểm soát của ngành chức năng như hiện nay, không biết đến bao giờ mới ngăn chặn được nạn nhập lậu vàng cũng như một số mặt hàng khác. Vậy hơn bao giờ hết, ngành chức năng cần xem lại sự kiểm soát ở các cửa khẩu. Đây là một trong nhiều bài toán cần được các nhà hoạch định chính sách tính lại để những giải pháp về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội phát huy hiệu quả.
Những yếu tố giữ cho tỷ giá hối đoái USD/VND ổn định trong thời gian qua, trước hết là sự thâm hụt thương mại tháng 6, tháng 7 đã giảm mạnh nhờ xuất khẩu vàng sẽ không thể duy trì trong tháng 8, do từ ngày 6-8-2011 xuất khẩu nữ trang có hàm lượng vàng từ 80% trở lên phải chịu thuế suất 10%. Thứ hai, việc vay USD bán lấy VND nhằm hưởng chênh lệch lãi suất giữa USD và VND cũng giảm đáng kể. Nói một cách khác, tâm lý "bán khống" USD qua động thái vay đang dần thu hẹp. Thứ ba, thông tin về Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm mặt bằng lãi suất VND từ cuối tháng 9. Lãi suất VND giảm về mức 17-19%/năm đầu ra và 14%/năm đầu vào, vẫn còn hấp dẫn. Và khi đã có định hướng giảm, thì những người đang giữ USD cũng cân nhắc, khiến cho xu hướng chuyển đổi USD sang VND sẽ chậm lại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.